Văn hóa Huế | Homepage

Phước Tích đẹp như một bức tranh cổ

🕔20.Sep 2015
Nếu làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) mang dấu ấn kiến trúc đậm nét của đồng bằng Bắc bộ, thì làng cổ Phước Tích (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế) lại mang một nét rất riêng của miền Trung…
Đẹp như một bức tranh cổ
Cách thành phố Huế khoảng 40 km về phía bắc, làng cổ Phước Tích nằm giáp ranh giữa 2 tỉnh Thừa Thiên – Huế và Quảng Trị. Theo sử sách, Phước Tích được thành lập từ năm 1470 dưới thời Lê Thánh Tông và được bao bọc hầu như toàn bộ bởi dòng sông Ô Lâu huyền thoại, nước sông luôn trong xanh khiến nơi đây gần như một hòn đảo, quanh làng  có di tích 12 bến nước tượng trưng cho 12 con giáp.
Hơn 500 năm tồn tại, trải qua các cuộc chiến tranh binh lửa và sự tàn phá của thiên nhiên. Có thể nói, Phước Tích còn giữ gìn gần như nguyên vẹn vẻ đẹp nguyên sơ của đời sống sinh hoạt làng quê Việt với phong cảnh hữu tình, yên ả, với cây đa, bến nước, sân đình…
Đến thăm làng cổ Phước Tích, không khỏi ngỡ ngàng khi Phước Tích đẹp như một bức tranh cổ. Với những ngôi nhà rường cổ kính với nghệ thuật kiến trúc đặc sắc bên dòng sông trong xanh, hiền hòa, dịu mát. Được khám phá, trải nghiệm cuộc sống thanh bình của một miền quê yên ả, gần gũi, thân thiện là sự kết hợp hài hòa giữa trời, đất và con người.
Ngay đầu làng, chúng ta được ngắm cây thị cổ thụ khoảng 700-800 năm tuổi và ngôi miếu thờ thần linh. Đi vào trong làng là những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi, những khu vườn rộng rãi với những cây cổ thụ xanh tốt, như cây hoàng lan hơn 100 tuổi trước nhà mệ Tràng đến mùa vẫn nở hoa thơm ngát, hay cây tùng, mai, mít… vẫn đổ bóng xuống làng quanh năm.
Dòng sông Ô Lâu bao bọc quanh làng cổ Phước Tích nước quanh năm trong xanh.
Cây thị 700-800 năm tuổi ở giữa làng và miếu Cây Thị.
Một ngôi nhà cổ trong làng Phước Tích.
Điều lý thú là những ngôi nhà rường ở Phước Tích không ngăn cách bằng hàng rào xây gạch và có cổng mà chỉ cách nhau một khu vườn rộng với những hàng rào hở bằng cây chè tàu xanh mướt được cắt tỉa gọn gàng, uốn lượn theo trục đường làng, ngõ xóm và lối đi vào cổng nhà tạo nên sự hấp dẫn kỳ lạ hòa quyện với cảnh quan thiên nhiên. Ðiều đó vừa chứa đựng triết lý nhân bản sâu sắc vừa mang tính sáng tạo độc đáo của con người, nhằm tổ chức một không gian sống lý tưởng cho cộng đồng cư dân từ thời xa xưa còn tồn tại đến ngày nay.
Bên trong những ngôi nhà rường cổ là hệ thống kiến trúc gỗ tinh tế, hệ thống vì kèo, xà, cửa, hoành phi, câu đối cho tới bàn ghế, tràng kỷ, bô ngựa (phản), bàn thờ, tủ,… đều được trạm khắc kĩ lưỡng, tinh xảo không thua kém gì các kiến trúc gỗ ở Hoàng cung triều Nguyễn đã trở thành bảo tàng của từng gia đình dòng họ.
Cùng với hệ thống nhà rường, Phước Tích còn có hàng chục các đình, chùa, miếu, đền thờ, như đình làng Trung, chùa Phước Bửu, miếu Cây Thị, miếu Ðôi, miếu Quang Tế (thờ Yoni va Linga của người Chăm) và các miếu Âm hồn, Con Cọp, Bà Giang (người Chăm), đền Văn Thánh… Miếu Ðôi thờ người khai canh Hoàng Minh Hùng được phong làm Thành Hoàng của làng. Tất cả mang đậm nét tâm linh của cư dân làng cổ tiêu biểu của Việt Nam.
Nghề gốm nổi tiếng
Những ngày xuân, du khách đến Huế không thể bỏ qua điểm tham quan thú vị này. Không chỉ được tận mắt thưởng ngoạn những phần nét thơ mộng, cổ kính của vùng đất cố đô mà còn được chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật độc đáo của các nghệ nhân làng gốm – những con người đang hàng ngày thổi hồn quê hương vào đất.
Gốm làng Phước Tích xuất hiện vào khoảng thế kỷ XVI. Hiện cả làng có 12 lò suốt ngày đêm đỏ lửa nung gốm. Hàng ra lò được vận chuyển bằng thuyền từ bến sông Ô Lâu đưa đi bán ở các tỉnh lân cận như Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi và xa hơn nữa…
Chất liệu chính của sản phẩm gốm Phước Tích khai thác ở vùng Diên Khánh (Quảng Trị), đất sét – người thợ thường gọi là kẻ được chia thành nhiều loại: kẻ tốt, kẻ màu… Trong quy trình sản xuất gốm, kẻ tốt được dùng để sản xuất những sản phẩm có thành mỏng, hình khối lớn, kẻ màu dùng làm những đồ vật không yêu cầu về mặt ngoại hình. Sản phẩm gốm, qua các công đoạn làm đất, chuốt, làm nguội… với sự hỗ trợ của các công cụ: thêu, nề đất, bàn chuốt, bàn xên, gót chân, vòng vá nhắm, dợ sát, trang, cái lù, tre dồn… và nung trong những dạng lò sấp hay lò ngửa. Đôi tay của người thợ Phước Tích cho ra đời nhiều sản phẩm từ hàng trăm năm nay có mặt trong mọi gia đình Huế dưới dạng các loại đồ đựng như: lu, hông, ảng, hủ, độc, trình, thống…; các loại đồ nấu như om, siêu, nồi, ấm; dụng cụ sinh hoạt khác như: bình vôi, bình hoa, dĩa dầu chuồng…; hay chiếc oa ngự dụng (om ngự) dùng trong buổi ngự thiện của nhà vua mà dân gian thường gọi là om cồi luôn là niềm kiêu hãnh của người dân xứ Cồn Dương.
Nhiều vật dụng trong hoàng cung triều Nguyễn hiện còn được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế có gốc gác từ làng gốm Phước Tích.
Nghề gốm Phước Tích đang hồi sinh…
Trải qua nhiều biến cố và sự lấn át bởi các ngành công nghiệp, nhất là đồ dùng bằng nhựa chiếm lĩnh thị trường khiến sản phẩm đồ gốm mất dần chỗ đứng. Nghề làm gốm từ đó cũng mai một dần, có những giai đoạn tưởng chừng không thể khôi phục được. Nhưng tình yêu nghề làm gốm đã thấm vào máu của những con người nơi đây, nghề gốm vẫn lay lắt truyền giữ…
Gốm làng Phước Tích được bắt tay khôi phục từ năm 2006 dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của Chính phủ Bỉ và sự viện trợ của tổ chức JICA của Nhật, đến nay đã có những tín hiệu đáng mừng. Nhiều đợt khách tham quan và mua sản phẩm của các cơ sở gốm hơn trước. Mỗi tháng, có cơ sở cho ra đời 200-300 sản phẩm đủ các loại, mẫu mã đa dạng, phong phú. Không chỉ đáp ứng cho khách du lịch đến thăm Huế, mà còn tham gia các lễ hội làng nghề trong nước như: Festival Huế, triển lãm làng nghề ở Bình Dương và nhiều địa phương khác. Đời sống của nghệ nhân nơi đây cũng dần được nâng lên.
Cùng vốn quý nhà cổ, việc phục hồi nghề gốm truyền thống đã đưa làng cổ Phước Tích trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách bốn phương đến Thừa Thiên-Huế.
T.H
(Theo Cinet.vn)

Similar Articles

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế

Là đô thị di dản, "Thành phố xanh quốc gia", cố đô Huế có hệ

Vẽ, viết bậy trên Kỳ Đài: Cần giải pháp mạnh tay hơn

Vẽ, viết bậy trên Kỳ Đài: Cần giải pháp mạnh tay hơn

Nạn vẽ bậy lên di tích Kỳ Đài trước Kinh thành Huế đã kéo dài

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Tra Am là ngôi chùa mà tôi biết sớm nhất ở Huế. Đó là khi

Gánh bún tinh mơ

Gánh bún tinh mơ

5g sáng, nhiều người vừa tạt xe vào lề đường với niềm háo hức sẽ

Huế và hoàng mai

Huế và hoàng mai

Ký ức một thời lại về trong mỗi người, mỗi gia đình khi sắc màu

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose