Văn hóa Huế | Homepage

Ba luôn ở bên con

🕔19.Dec 2015

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Tôi có thói quen ngây người nhớ về những kỷ niệm cũ. Đó thường là những kỷ niệm vụn vặt của thời thơ ấu đẹp đẽ. Ba chính là phần ký ức tươi đẹp nhất trong khoảng thời gian ấy. Hồi nhỏ, tôi thường mè nheo đòi được ba cõng, rồi thế nào đó lại ngủ gật trên lưng ba, chiếc lưng vừa to vừa ấm ấy đã từng là khoảng trời ấm áp nhất, từng là điểm tựa vững chãi, đáng tin cậy nhất của mẹ, em trai và tôi.

Hồi đó, tôi và em trai thường được ba chở đi vi vu khắp mọi nơi, nào là câu cá, thả diều, rồi còn thường xuyên được về thăm quê nội, sau đó mắc võng ra nằm ngủ dưới lũy tre có gió hiu hiu thổi. Hồi đó, tôi là đứa con nít vô cùng rắc rối, hay tò mò, hễ mở miệng ra là lại hỏi tại sao thế này, tại sao thế kia, và ba chính là cuốn từ điển sống, là “giáo sư biết tuốt” đáng kính nhất đã giải đáp mọi thắc mắc của tôi. Ba chính là thần tượng của tôi.

Có một thời gian, tôi có chút lệch lạc trong sự hình thành nhân cách. Không hiểu sao lúc đó tôi lại sĩ diện theo một cách ngu xuẩn nhất có thể. Ba tôi đi một chiếc Honda Cup 50, đó chính là điều khiến tôi vô cùng xấu hổ với bạn bè, bởi ba mẹ chúng nó toàn đi Wave hay Dream. Vậy nên tôi thà đi bộ chứ không bao giờ để ba chở đi học. Đến hôm tôi tốt nghiệp cấp I, xe máy ba hư, sáng đó cần phải tới trường sớm để làm thủ tục thi, ba lật đật lấy chiếc xe đạp cũ ra chở tôi tới trường. Trên quãng đường đi, tôi cúi gằm mặt vì sợ giữa đường gặp bị bạn bè nhận ra. Tôi không cho ba dừng xe trước cổng trường mà phải cách một đoạn “đủ an toàn”. Ba nói: “Chúc con làm bài tốt nha”. Tôi vội vàng xua tay nói, ba về đi, rồi ba chân bốn cẳng chạy vào trường. Khi đã trưởng thành rồi, khi ba đã mất rồi, tôi mới nhận ra đó là một vết nhơ mà tôi muốn xóa sạch trong phần kí ức nhưng không thể.

Mẹ bảo tôi thắp nén hương chào ba về, tôi thành khẩn làm theo. Thoáng qua, tôi thấy trong mắt mẹ có nước. Cái giọt long lanh ấy mấp mé ở khóe mắt nhưng chẳng hiểu sao lại không rơi ra được. Bao năm qua hình như mẹ đã như thế, giấu đi sự yếu mềm để mạnh mẽ sống. Tôi thấy cay cay ở sống mũi, cổ họng cũng nghèn nghẹn đi, tôi giả vờ ngước mắt lên nhìn trời để nước mắt không được dịp lăn ra.

Chào ba con về, trước Tết con lại tới thăm ba. Mà ba ơi, phần thương ba con đã giấu bao lâu nay, hình như chuyển dần qua cho mẹ nhiều thêm nữa rồi. Ba nhất định không được ganh tị nhé! Ba vẫn luôn ở đây này, trong tim con, ở một khoảng trống yên tĩnh, ấm áp nhất, nơi không ai có thể chạm đến được!

Phước Ly
(Theo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Kim Long có gái mỹ miều

Kim Long có gái mỹ miều

Đất Huế một thời đế đô, giai nhân dập dìu tụ hội đã đành. Mãi

Những khoảng Huế xanh

Những khoảng Huế xanh

Rong ruổi trên những con đường xứ Huế thật chậm mới nhận ra màu xanh

Phước Tích – Những vết dấu thời gian

Phước Tích – Những vết dấu thời gian

Thiên nhiên ưu đãi cho xứ Huế nhiều thắng cảnh nên thơ và những con

Xin đi từ thơ ấu

Xin đi từ thơ ấu

Ấn tượng sâu đậm nhất của tôi thời thơ ấu đọng lại bây giờ là

Ngao bung – “bung là ăn”

Ngao bung – “bung là ăn”

Lâu lắm mới gặp bạn ở quê lên thành phố chơi. Bạn nằng nặc đòi

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose