Văn hóa Huế | Homepage

Tổ đường Karatedo Huế

🕔15.Jan 2016
Những ngày đầu năm 2016, một tin vui đến với môn phái karatedo Huế khi Dự án xây dựng nhà lưu niệm hệ phái Suzucho Karatedo tại số 8 đường Nguyễn Chí Thanh- Huế đã được khởi động. Tổng đầu tư dự án gần 3 tỷ đồng, trong đó có 400 triệu đồng đóng góp của các môn đệ hệ phái.
Cách đây chừng 5 năm, tôi đã  theo chân võ sư Lê Văn Thạnh, một trong những cao đồ của võ sư Suzuki  đến thăm  ngôi nhà thiêng của karatedo Huế. Ngôi nhà này toạ lạc tại số 8 – đường Võ Tánh (cũ) nay là đường Nguyễn Chí Thanh- thành phố Huế.

Võ sư Lê Văn Thạnh cùng các học trò trước ngôi nhà số 8- đường Nguyễn Chí ThanhCách đây hơn nửa thế kỷ, năm 1959, người võ sĩ đạo Nhật Bản có tên Choji Suzuki đã cùng gia đình định cư tại đây. Ngôi nhà nằm ẩn mình ngay dưới chân cầu Đông Ba, chiều ngang chừng 4 m, chiều sâu chừng 25 m. Võ sư Choji Suzuki từng là lính của đoàn quân Thiên hoàng Nhật Bản bại trận năm xưa,ông đã đi khắp nơi để rồi bước chân của ông đã dừng lại bên dòng sông Đông Ba. Yêu mến mảnh đất của dòng Hương đỉnh Ngự, người võ sĩ đạo của đất nước hoa Anh đào đó đã tự nguyện ở lại Việt Nam sau thế chiến thứ 2. Ông đã nhận Huế, nhận Việt Nam làm quê hương thứ 2 của mình để rồi từ đó đem những tinh hoa võ học của  đất nước mình để gieo trồng trên đất Việt.Những thế hệ môn sinh đầu tiên của karatedo Việt Nam như Ngô Đồng, Hạ Quốc Huy, Nguyễn Xuân Dũng, Lê Văn Thạnh, Hoàng Như Bôn, Nguyễn Văn Dũng… đã trưởng thành từ đây để rồi theo thời gian mang khí phách của môn võ học karatedo đi khắp đó đây… Ngôi nhà khi đó đã xuống cấp rất nhiều theo thời gian; nhưng những dấu tích ngày cũ của tuổi hoa niên đối với những môn sinh như võ sư Lê Văn Thạnh thì vẫn như còn đây.Họ còn nhớ như in không gian của võ đường ngày xưa; đâu là nơi thầy dạy Karate, đâu là nơi thầy dạy Judo và cả cái hành lang trơ ra hàng gạch cũ mà theo võ sư Lê Văn Thạnh là do những chiếc xe đạp của các môn sinh dựng vào nên mòn nhẵn. Trong bóng nắng cuối ngày, võ sư Lê Văn Thạnh chỉ cho chúng tôi ô cửa sổ nhỏ và nói:  “Đây là nơi  mà thầy Suzuki thường ngồi cả tiếng đồng hồ vào cuối ngày để nhìn ra cầu Đông Ba và những dòng xe cộ qua lại. Những lúc đó có lẽ ông đang nhớ về cố quốc Nhật Bản xa xôi của mình…”


Một buổi biểu diễn của các võ sĩ Karatedo Huế

Cũng theo lời võ sư Lê Văn Thạnh thì trong cuộc đời lưu lạc của mình kỷ niệm mà thầy Suzuki thường hay kể với những học trò là những năm kháng chiến chống Pháp. Hồi đó, sau khi quyết định ở lại Việt Nam, võ sư Suzuki đã nhận lời dạy võ cho một đơn vị bộ đội ở Lạng Sơn. Một lần, thủ tướng Phạm Văn Đồng tình cờ ghé thăm và quý mến tặng cho ông một chiếc súng có khắc tên của mình đồng thời đặt tên Việt Nam cho ông là Phan Văn Phúc… Khẩu súng này sau đó đã bị mất nhưng tấm lòng của vị lãnh đạo đất nước Việt Nam thì ông mãi mãi khắc cốt ghi tâm…Võ sư Suzuki rời Huế về nước năm 1978 và ông mất vào năm 1995. Ngôi nhà của ông ở bên chân cầu Đông Ba do mất giấy tờ nên đã có một số hộ dân vào tá túc.Năm 2005, gia đình ông đã quyết định hiến ngôi nhà này cho nhà nước và hiện nay ngôi nhà đang được UBND TP Huế quản lý.

Ông Thạnh còn cho biết: “ Trước khi mất, võ sư Suzuki đã trăn trối cùng gia đình là để lại một đốt xương cổ của mình để sau này mang về Huế. Đốt xương cổ này hiện đang được thờ tại một nhà người học trò của ông ở thành phố Hồ Chí Minh…”.

Trong Hồi ký “ Gió về Tùng Môn Trang”, cố võ sư huyền đai đệ bát đẳng Karate Nguyễn Xuân Dũng, một học trò của võ sư Suzuki đã viết:“ Võ phái Không Thủ Đạo tại Huế đã đào tạo ra nhiều võ sư danh tiếng và làm rạng rỡ tông môn… Không những thế, với hơn một vạn môn sinh hiện nay tại Việt Nam, hầu hết những người ấy đều được hình thành nhân cách ban đầu từ đạo đường bên chân cầu Đông Ba bé nhỏ, trực tiếp hay gián tiếp từ sự dạy bảo của thầy Suzuki”.

Đến nay thì môn võ học karatedo đã phát triển mạnh mẽ nhiều nơi trong cả nước. Riêng ở TT Huế, nhiều câu lạc bộ karatedo đã ra đời đào tạo hàng ngàn môn sinh. Không chỉ ở Huế,những môn sinh của võ sư Suzuki bây giờ đang có mặt nhiều nơi ở trong nước và nước ngoài. Mong muốn của họ là muốn xây dựng lại ngôi nhà xưa của thầy, cũng là nơi họ đã tiếp thu được những tinh hoa của môn võ học Không Thủ Đạo, những kiến thức về đạo lý làm người thành một nơi tưởng niệm và là một võ đường của karatedo Việt Nam. Hơn thế nữa, ngôi nhà đó còn là điểm gặp gỡ, giao lưu văn hóa Việt- Nhật của Huế.

Phi Tân
(Theo TRT)

 

 

Similar Articles

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế

Là đô thị di dản, "Thành phố xanh quốc gia", cố đô Huế có hệ

Gánh bún tinh mơ

Gánh bún tinh mơ

5g sáng, nhiều người vừa tạt xe vào lề đường với niềm háo hức sẽ

Huế và hoàng mai

Huế và hoàng mai

Ký ức một thời lại về trong mỗi người, mỗi gia đình khi sắc màu

Đặc sản của Huế

Đặc sản của Huế

Nếu nói đến đặc sản Huế chắc nhiều người nghĩ ngay đến ẩm thực, tức

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Ngay từ những ngày đầu tìm đất lập làng, người Việt nói chung, người Việt

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose