Văn hóa Huế | Homepage

Những ngày cuối năm

🕔05.Feb 2016
Nhớ những ngày cuối năm mưa lạnh, ông lão ở đầu xóm quê mình thường đem những tác phẩm của ông ra nền hiên đất sét trước nhà hong hơ bên bếp than hồng . Ông là người khéo tay bậc nhất của làng với các sản phẩm tre đan. Ngoài cái nghề đan những thúng, mủng, rổ, rá, dần, sàng…cho bà lão mang đi chợ bán; ông còn chăm chút cho những tác phẩm tinh xảo hơn như cái lồng ấp, mấy cái lồng chim hay mấy cây đèn lồng bằng tre…Tôi thích nhất là mấy chiếc mõ được ông lão tiện từ mấy gộc tre già với hình thù đẹp, bóng láng và gõ vào thì phát ra tiếng kêu vui tai. Ông kể: “ Ngày trước tui làm mõ cho làng. Đây là kỷ vật của đời tui…”. Ông đem tác phẩm ra hơ hong để chuẩn bị đón tết. Hơ hong xong ông lau chùi và ngắm nghía và nói rằng cho chúng nó mới hơn, thỉnh thoảng ông cầm chiếc mõ lên gõ “ cốc, cốc!” mà mắt sáng lên…Âm thanh của chiếc mõ tre trong tiết trời lạnh giá cuối năm chợt như làm ấm lại không gian của xóm nhỏ quê tôi khi tết đang về…
Công việc mà tôi thích nhất trong những ngày cuối năm cũ đó là được ba sai mang bộ lư đèn và cặp bình hoa bằng đồng trên bàn thờ gia tiên ra giếng đánh bóng.Để làm công việc này phải có tro bếp với mấy trái khế chua ( năm mô không có khế chua thì lên lùm ông cố sát chân độn cát hái mấy lá thơm). Nói chung là chỉ cần có chất chua vô là những xỉn đồng tự nhiên trôi đi hết, sau đó xát tro bếp vào làm tăng độ bóng của đồng. Hì hà hì hục suốt cả buổi sáng anh em tôi cũng hoàn thành công việc. Ánh đồng sáng choang có thể soi được mặt của bộ lư đèn, bình bát được đặt trang trọng lên bàn thờ là thấy tết đã về…Quê tôi vùng cát. Đặc biệt, ngay trên dốc độn thẳng xóm Kế của tôi có một khoảng đất cát trắng tinh. Năm mô cũng rứa, khi đường xóm đã phong quang chờ năm mới là lũ con nít trong xóm rủ nhau lên độn lấy cát trắng về đổ ở ngõ từng nhà. Một đứa một cái bao leo lên dốc độn cát, dùng tay đào tìm chỗ cát trắng nhất rồi nặng nhọc cõng trên lưng từng bao đất cát đưa về nhà. Thấy nặng nhọc rứa nhưng vì vui nên không thấy mệt. Sau khoảng chục chuyến đi về của mấy anh em là cát đã được rải trắng từ ngõ vô tới sân nhà. Ba nhổ thêm mấy cây bông Thọ vô trồng dọc theo lối vô nhà. Màu cát trắng tinh tươm phản chiếu màu cam ấm của bông Thọ và đến chiều ba mươi có thêm màu xác pháo phủ lên đường. Đó là những gam màu tết diệu vợi của tuổi thơ tôi…

Ngày cuối năm Ất Mùi, vừa làm việc vừa mở nghe bài hát đã cũ: “ Đi qua vùng cỏ non” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn . Bài hát ni ra đời vào những năm tám mươi của thế kỷ trước. Một điệu Valse xuân thật nhẹ nhàng vỗ về lòng người trong những ngày gian khó. Không biết vùng cỏ non mà nhạc sĩ đi qua để ngỡ mùa xuân đang đến là vùng đất nào hay chỉ là một vùng đất trong tâm tưởng? Nhưng cũng chẳng nên bâng khuâng làm chi bởi chắc chắn đó là đất quê hương yêu thương.“Đi qua vùng nhà em không còn em ở đó- Bâng quơ gà cất tiếng gáy trưa quanh đời mình”.Tôi đã ở phố một phần tư thế kỷ. Cũng chừng đó thời gian không còn nghe tiếng gà gáy trưa. Ừ tiếng gà gáy trưa quê nhà bâng quơ đó nhưng cũng thao thiết lắm; ngỡ như câu hò mạ ru đã neo đậu trong mênh mang cỏ cây bờ bãi quê nhà.

Cuối năm ngồi nhớ tiếng gà trưa, nhớ những âm thanh của bao mùa cũ. Muốn về ngồi ở bờ tre bên vườn nhà nhìn ngò cải đơm hoa trong một chiều mưa phùn gió bấc và dáng mạ lui cui bó cải cho phiên chợ tết sớm mai. Chỉ cần chừng nớ thôi…

                Phi Tân

 

Similar Articles

Khúc serenata sông Hương

Khúc serenata sông Hương

Chiều chiều, tôi hay thơ thẩn ra sông. Qua hai ngã tư đến công viên

Mưa Huế, lụt Huế

Mưa Huế, lụt Huế

Những ngày xa nhà làm quen với đời sinh viên ký túc xá, mưa Huế

Lụt Huế

Lụt Huế

Đêm nghe nước lên từng hồi. Từ Chi Lăng, Phú Hậu, An Hoà, Tây Lộc

Lụt Huế

Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến

Quãng nghỉ trong đời

Quãng nghỉ trong đời

Gần đây, rất nhiều người bạn của tôi có mong muốn được trở thành công

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose