Văn hóa Huế | Homepage

Đèn dầu

🕔24.Feb 2017

Câu chuyện, hay đúng hơn là ký ức của một người Huế xa quê về chiếc đèn dầu một thời quá vãng.

Ở Huế, chiếc đèn dầu là một đồ dùng phổ biến của nhiều gia đình xưa và nay. Cũng như một số vật dụng khác, chiếc đèn dầu đã chứng kiến và song hành trong nhiều sinh hoạt của người Huế.

Đèn dầu hiện diện trong những mâm cúng của người Huế, là ngọn đèn dẫn lối người đã mất đi về cõi vĩnh hằng… Ở đó, nó không đơn thuần chỉ là một đồ vật mà đã trở thành một ngọn đèn soi sáng giúp cho những vong linh “nhìn thấy mà thụ hưởng”, giúp những người thân đã khuất tìm thấy được ánh sáng mà trở về cũng như sang thế giới bên kia. Bởi thế, dù mâm cúng có đơn sơ đi nữa nhưng không được thiếu đi ngọn đèn dầu.

Chính từ quan niệm đó, mà hầu như với mọi công trình kiến trúc ở Huế ở phần cổng chính bao giờ cũng có 2 trụ biểu cao mà người xưa gọi đó là Thạch đăng (nghĩa là đèn đá) đã trở thành biểu tượng dùng để soi sáng và dẫn lối đưa con người chạm đến niềm thanh cao, tốt đẹp.

Hình ảnh chiếc đèn dầu vẫn dễ dàng bắt gặp nơi góc phố. Ảnh: Hồ Ngọc Sơn

Quay ngược về quá khứ, có lẽ đèn sáp (hay còn được gọi là đèn cầy, nến) ra đời sớm hơn, nhưng rồi nó lại không thể đáp ứng một cách tốt nhất trong những điều kiện khó khăn như mưa gió, hơn nữa lại dễ gây hỏa hoạn. Cũng vì thế mà đèn dầu xuất hiện.

Người Huế cũng thích dùng đèn sáp (đèn cầy) nhưng đoan chắc, số lượng người thích nó không nhiều. Với người Huế, việc đèn dầu tuy có phần vất vả khi sử dụng nhưng nó vẫn được ưu ái hơn. Và họ chọn nó, bởi lẽ chiếc đèn dầu vừa có ngọn (ngọn lửa), vừa có tim (tim đèn), vừa có bụng để chứa (phần bình để chứa dầu), dầu (chất đốt được sử dụng) và bóng đèn – tựa như vòng tay che chở ánh sáng. Tất cả như hình ảnh của một con người được hình tượng hóa qua chiếc đèn dầu.

Thạch đăng trên trụ biểu ở chùa Thiên Mụ. Ảnh: Hồ Ngọc Sơn

Huế bây giờ đã khác xưa rất nhiều, nhà cửa cũng đã khang trang hiện đại hơn nhiều nhưng hình ảnh ngọn đèn dầu vẫn dễ dàng bắt gặp ở mẹt trứng lộn mỗi đêm nơi góc phố. Chiếc đèn dầu ngoài việc được xem là dấu hiệu thì nó còn là phương tiện giúp người bán lựa chọn những quả trứng phù hợp cho nhu cầu của thực khách. Và nếu có dịp nào ghé Huế để thưởng thức món trứng lộn (hột vịt lộn) nóng bỏng tay bên cạnh ngọn đèn dầu vào những đêm trở gió, khi đó thực khách sẽ thấy được sự ấm áp mà chỉ có ngọn đèn dầu mới có thể đem lại cho mọi người.

Ngọn đèn dầu còn le lói bên những quán ăn đêm khuya ngày xưa của Huế. Quay trở lại với quá khứ khoảng mươi năm trước, ở Huế, nhiều quán ăn vẫn còn chuộng đèn dầu. Bởi lẽ, lúc đó nhu cầu sử dụng điện chưa nhiều, đèn sạc cũng chưa phổ biến, cho nên ngọn đèn dầu vẫn thường trực trên mỗi bàn ăn ở những quán bánh canh trên đường Hàn Thuyên, quán cơm hến ở bên Cồn, quán ốc ở gần đàn Nam Giao, quán chè ở góc đường Chi Lăng, ở chợ Đông Ba và còn rất nhiều, rất nhiều quán khác nữa…

Ngọn đèn dầu cũng xuất hiện trong những buổi cơm tối của nhiều gia đình nghèo ở Huế, nó khiến mâm cơm trở nên ấm cúng hơn bao giờ hết. Và ngọn đèn dầu còn đi vào trang văn hóa Huế, góp phần làm nên sự nổi tiếng cho quán cơm Âm Phủ một thời:

“Cơm chi mà tối mò mò
Ma kêu quỷ khóc mịt mờ âm ty
Nghe đồn cũng thử mà đi
Té ra cũng chẳng khác chi dương trần”.

Bên cạnh các loại đèn nháy, đèm chùm, đèn trang trí… chiếc đèn dầu vẫn còn hiện diện trong cuộc sống người Huế như mạch nguồn trong ký ức sâu lắng mà khó ai không phải ở Huế có thể hiểu hết được.

Hồ Phước Nguyên
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế

Là đô thị di dản, "Thành phố xanh quốc gia", cố đô Huế có hệ

Gánh bún tinh mơ

Gánh bún tinh mơ

5g sáng, nhiều người vừa tạt xe vào lề đường với niềm háo hức sẽ

Buồn vui chuyện… rác

Buồn vui chuyện… rác

“Xanh, sạch, sáng” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành nhu cầu, nguyện

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Vui chơi giải trí sinh hoạt văn hóa dân gian, vào dịp tết đến xuân

Màu tết ở Đông Ba

Màu tết ở Đông Ba

Tết Nguyên đán đã đến gần. Những ngày này, cùng với tiết trời hửng nắng

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose