Văn hóa Huế | Homepage

Mãi còn trong Huế

🕔31.Mar 2017

Trịnh Công Sơn (ngoài cùng bên phải) cùng bạn hữu. Ảnh: TL

Một thuở bạn bè

Cứ nhắc đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là dịch giả Bửu Ý như trôi về một miền ký ức đẹp của tuổi 20: “ Hồi ấy, chúng tôi thường đi dạo. Và trong mỗi cuộc đi, chúng tôi nói với nhau nhiều chuyện, từ triết học đến thời cuộc…”. Tuổi 20 của Trịnh Công Sơn trôi qua bên cạnh những người bạn như Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Bửu Ý, Đinh Cường, Trịnh Cung… Ngôi nhà nhỏ ở đường Nguyễn Trường Tộ của gia đình Trịnh Công Sơn là nơi gặp gỡ gần như hàng ngày của nhóm bạn, luôn rang rảng tiếng cười nói và tiếng đàn ghi-ta.

“Đừng nghĩ đó là không khí bù khú trà dư tửu hậu của một đám ham chơi. Không, đó là những buổi gặp gỡ có ích lợi thực sự cho những ai đang nặng lòng với sáng tác và quan tâm đến những vấn đề thời đại. Đó là buổi bạn bè được nghe bài hát mới, được thưởng thức một bức tranh chưa ráo, được nghe một bài thơ chờ góp ý”, đôi mắt dịch giả Bửu Ý nhìn xa xăm khi nhớ về ký ức với người bạn thân Trịnh Công Sơn. “Trịnh Công Sơn rất chiều bạn. Hồi ấy, tôi thân với Trịnh Công Sơn còn nhờ chung chuyện trốn lính. Có đêm tôi đến nhà Sơn chơi, ham chuyện trò nên quên về, đến khi nghe ồn ào chuyện kiểm tra giấy tờ, bắt lính, mẹ Trịnh Công Sơn bảo hai anh em leo lên trốn trên la-phông nhà, Sơn leo lên rất nhẹ nhàng, còn tôi trầy trật mãi vẫn không lên được, tôi bảo, thôi con đành liều vậy!”.

Dịch giả Bửu Ý bên bức tranh trên tường nhà do nhạc sĩ họ Trịnh vẽ lúc còn sống. Ảnh: Xuân An

Về tình bạn với Trịnh Công Sơn, họa sĩ Đinh Cường- một người bạn thân trong nhóm đã tổng kết: “Huế thời hai mươi tuổi của chúng tôi, Huế thơ mộng, Huế chiến tranh, lửa đạn. Chúng tôi đã tỏa bóng mát cho nhau bằng tình bạn”. Họa sĩ Đinh Cường đã vẽ không biết bao nhiêu bức tranh về Trịnh Công Sơn, dịch giả Bửu Ý cũng trở thành nhân chứng sống và đầy tin tưởng của người Huế cùng báo giới khi muốn tìm hiểu về Trịnh Công Sơn. Tình bạn của họ đã đi qua những tháng năm đầy trăn trở của tuổi thanh niên về tình yêu, về quê hương, về chiến tranh-hòa bình và thân phận con người. Họ đã sống thật đẹp, trọn vẹn với nhau-tình bạn ấy được nhiều bạn trẻ ngày nay ngưỡng mộ và ao ước.

Nhạc Trịnh từ Huế

Trong căn nhà tại đường Nguyễn Trường Tộ, năm 1958, Trịnh Công Sơn bắt đầu sự nghiệp âm nhạc của mình với ca khúc đầu tay: “Ướt mi”. Cuối năm ấy, Trịnh Công Sơn rời Huế vào Sài Gòn theo học Ban Triết, Trường Jean Jacque Rousseau. Học được một năm, anh trở về lại Huế.

Huế những năm 1960-1965 đã cho Trịnh Công Sơn nhiều suy nghĩ về sự dấn thân cho quê hương, cho hòa bình và anh trở thành người viết nhạc phản chiến được sánh với  Bob Dylan của Mỹ. Năm 1963, khi sự kỳ thị Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm ngày càng trở nên khốc liệt thì chùa Từ Đàm trở thành nơi khởi phát những cuộc đấu tranh quyết liệt của chư  tăng ni và Phật tử xứ Huế. Phong trào đấu tranh đô thị của học sinh-sinh viên miền Nam ngày càng bị đàn áp thẳng tay.

Khi Mỹ gửi hàng ngàn quân sang Việt Nam vào năm 1965, ở Huế, Trịnh Công Sơn trốn lính và bắt đầu viết nhạc phản chiến. Những ca khúc phản chiến của anh có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi tầng lớp và có sức lan tỏa lớn. Với dòng nhạc hòa bình đầy xúc cảm, Trịnh Công Sơn đã hòa cùng với Jacques Prel-một người Bỉ hát rong tuyệt vời trên các kinh thành của cựu lục địa kêu gọi hòa bình cho nhân loại-cùng Joan Baez và Bob Dylan kêu gọi người dân Mỹ xuống đường đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Dòng nhạc phản chiến-yêu hòa bình của Trịnh Công Sơn đã vang lên từ Huế như thế, tha thiết và đầy thức tỉnh. Huế những năm tháng sôi động này luôn có tên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đi kèm như một niềm tự hào.

Như bóng hình vẫn còn đâu đây

Nhớ Trịnh, nhiều người đã tìm đến thăm căn nhà nhỏ ở đường Nguyễn Trường Tộ và cũng đứng từ ban- công nhìn xuống cầu Phú Cam hình dung năm nào chàng nhạc sĩ đa tình Trịnh Công Sơn đã từng chờ đợi hình dáng của người mà anh yêu thầm là Ngô Vũ Bích Diễm trên đường đi đến Trường Đồng Khánh. Nắng vẫn lung linh trên hàng cây long não. Con đường Nguyễn Trường Tộ vẫn đông người qua lại. Người đã ra đi nhưng bóng hình vẫn còn đâu đây trong những bản tình ca có mưa hồng, có nắng thủy tinh, có mưa bay tháp cổ, có đủ chiều sâu chiêm nghiệm để thấm hơn tình người “ngày mai sỏi đá cũng cần có nhau”.

Bây giờ Huế đã có con đường mang tên Trịnh Công Sơn. Con đường ven dòng sông Hương, từ cầu Gia Hội về đến bến đò Cồn. Công viên nhỏ đầu đường là nơi diễn ra nhiều buổi trình diễn nhạc Trịnh. Trịnh Công Sơn đã tan vào trong Huế, hòa vào dòng nước Hương Giang, vào không gian Huế và ở lại nơi trái tim như thế.

Xuân An

(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Ủ Tết (Thì thầm lá hoa)

Vườn bà tôi ngày trước đầy hoa trái, bốn mùa xanh rợp lá cây, hầu

Nhớ những chuyến xe lam

Nhớ những chuyến xe lam

Hôm qua chú em họ đăng Facebook về những chiếc xe lam - một thời

Trong bóng dáng mệ quê

Trong bóng dáng mệ quê

Những ngày này Huế mưa, nhớ mạ thiệt nhiều, mà đi chợ càng nhớ hơn,

Lụt Huế

Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến

Người “giữ hồn” bánh đúc mật xứ Huế

Bánh đúc mật là thức quà quê hương bình dị gắn liền với tuổi của

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose