Văn hóa Huế | Homepage

Đừng để phôi pha vẻ đẹp Huế

🕔15.Apr 2018

Giữa vườn cây trong biệt phủ của một gia đình quý tộc xưa ở Kim Long, tiến sĩ triết học Thái Thị Kim Lan tự tay làm những món bánh Huế cầu kỳ, công phu – những thứ bánh mà bây giờ nếu cần cúng rằm cũng rất ít gia đình tự tay làm, phải có các mệ Huế thì mới dụng công, còn những gia đình trẻ thường tạt qua chợ An Cựu hoặc Đông Ba mua bánh trái về chưng bàn thờ.

dd-25-tren-1508453308[1]

Sự cầu kỳ của tiến sĩ là để dành cho những người khách sẽ tham gia một chiều âm nhạc Phạm Duy kiểu Huế, đón những mái đầu bạc của các cựu nam sinh Quốc học, những tà áo dài thướt tha của các cựu nữ sinh Đồng Khánh thập niên 60 thế kỷ trước… Đó là buổi chiều các cựu nữ sinh Đồng Khánh – những người từng say mê nhạc Phạm Duy và hát theo cách của người Huế, hồi tưởng kỷ niệm và hát để khoản đãi một vị khách đặc biệt: Tiến sĩ Eric Henry – Đại học North Carolina, người dịch Hồi ký Phạm Duy sang tiếng Anh, cũng từng là phiên dịch thuộc lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ trên chiến trường Quảng Trị những năm 70, nay trở lại Huế trong vai trò nhà nghiên cứu tân nhạc Việt Nam.

Hồi ức từ thập niên 60 tràn về sống động. Thật sự chưa bao giờ tôi thấy rung động đến vậy khi đắm chìm trong khung cảnh văn hóa Huế như thế. Gặp nhau và hát nhạc Phạm Duy hôm nay như một cách để giữ lại những nét đẹp đang dần mất đi trong đời sống. Và giọng hát của các cựu nữ sinh Đồng Khánh tha thiết vang lên trong khu vườn mùa hạ với những Bà mẹ quê, Giọt mưa trên lá, Đưa em tìm động hoa vàng, Ngày xưa hoàng thị, Tâm ca

Họ ngồi quanh thảm cỏ, vẫn giữ nếp điệu đàng từ dáng đi đến lời thưa thốt, dù tóc đã bạc, da đã mồi mà sao vẫn có ánh nhìn e thẹn nữ sinh. Ở đó vẫn nhìn thấy vẻ đẹp của xứ Huế đã gắng gượng gìn giữ cốt cách văn hóa bao đời chốn cố đô.

Người đã đi đến trời Âu, tiếp nhận triết học phương Tây, dạy ở các đại học danh tiếng châu Âu như tiến sĩ Thái Thị Kim Lan mà vẫn tự tay làm mấy món bánh giản dị tiếp khách là bởi vì dưới nếp nhà Huế, khách phải được khoản đãi bằng tài nấu ăn của người phụ nữ trong nhà, chứ dứt khoát không thể là hàng chợ.

Có cái gì đó rất khác giữa một phụ nữ hơn bảy mươi tuổi, đội chiếc mũ rộng vành, lái ô tô về nhà và người phụ nữ Huế đang loay hoay nặn những chiếc bánh nếp thơm.

Và thật tuyệt vời khi dưới mái ngói những tòa nhà xưa là phủ đệ chốn kinh thành, nay lại thấp thoáng những dáng phụ nữ đài các trong tà áo dài qua lại nấu ăn, dọn bánh trái, hát hò, trò chuyện, tưởng như chưa hề có nửa thế kỷ đã trôi qua ở đất này.

Nếp nhà Huế rất kỳ lạ. Một lần, tôi đến một phủ cũ do một phụ nữ trên 70 tuổi làm chủ và xin gặp gia chủ để tìm hiểu về lịch sử đặc biệt của ngôi nhà. Nếu ở bất cứ một nơi nào khác thì cánh cửa nhà sẽ mở toang, chủ nhà sẽ ra gặp vì khách lễ phép, lịch sự. Nhưng không, tôi được hẹn ngày hôm sau trở lại. Và bà chủ đón tôi với một ngôi nhà rường quý tộc thoảng những mùi thơm, mùi vị ấy đọng trên chén trà gừng nóng, tỏa ra từ hàng chục bát hoa mới hái trong vườn, từ vị bánh phu thê, và từ giọng nói ngọt ngào rất Huế, nhưng là cái ngọt đậm đà của chất kinh thành và học thức tràn đầy.

Người phụ nữ ấy phải hẹn tôi ngày hôm sau mới gặp để bà có thời gian chuẩn bị đón khách một cách trang trọng đúng chuẩn văn hóa Huế, với tà áo dài vàng lộng lẫy, với tiếng thưa thốt khiêm nhường dù đứng trước người trẻ hơn mình vài chục tuổi, với một ngôi nhà đã được chăm sóc tỉ mỉ từ bàn thờ đến những bát hoa để dọc hành lang, và những đĩa bánh tự tay phụ nữ trong nhà mới làm vào buổi sớm.

Cái vẻ đẹp tuyệt vời của nếp nhà do những phụ nữ Huế chăm sóc tưởng như có thể hít thở, chạm tay vào để thưởng thức. Nó đẹp thế nhưng làm sao có thể giữ được trước những biến thiên văn hóa. Đã từng biết Huế như vậy nên tôi không ngạc nhiên khi những người xưa ở Huế có thể tổ chức hẳn một buổi chiều nhạc Phạm Duy trong vườn nhà họ, để có thể giúp cho một dịch giả thẩm thấu nhạc Phạm Duy trong một giai đoạn. Huế là như vậy, với mỗi ngày tinh tế sâu thẳm.

Hồng Bích
(Theo Doanh nhân Sài Gòn)

Similar Articles

Đặc sản của Huế

Đặc sản của Huế

Nếu nói đến đặc sản Huế chắc nhiều người nghĩ ngay đến ẩm thực, tức

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Vui chơi giải trí sinh hoạt văn hóa dân gian, vào dịp tết đến xuân

Màu tết ở Đông Ba

Màu tết ở Đông Ba

Tết Nguyên đán đã đến gần. Những ngày này, cùng với tiết trời hửng nắng

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Ngay từ những ngày đầu tìm đất lập làng, người Việt nói chung, người Việt

Ai còn lồng nhãn nữa không?

Ai còn lồng nhãn nữa không?

Trả lời cho câu hỏi này của tôi, nhiều chủ vườn có nhãn ở Kim

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose