Bức tranh toàn cảnh về di sản thế giới hiện nay
Theo số liệu của UNESCO, tính đến tháng 1/2020, toàn thế giới đã có 1.121 di sản được công nhận danh hiệu Di sản thế giới (World Heritage), trong đó có 869 Di sản văn hóa, 213 Di sản thiên nhiên và 39 Di sản văn hóa và thiên nhiên (thường gọi là Di sản hỗn hợp).
Đại nội Huế thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới năm 1993
Nhìn trên bản đồ Di sản thế giới, có thể thấy rõ các quốc gia châu Âu vẫn là những quốc gia dẫn đầu về số lượng di sản được công nhận, đặc biệt là các quốc gia có lịch sử lâu đời và có truyền thống bảo vệ, tôn vinh văn hóa, tiêu biểu như Italia, Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Nga, Hy Lạp… Ở châu Á, những quốc gia nổi tiếng với nền văn minh lâu đời cũng là những quốc gia dẫn đầu về số lượng di sản được công nhận, tiêu biểu như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ. Cũng tương tự, ở châu Mỹ là các quốc gia Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Braxin…
Ở Đông Nam Á, quốc gia dẫn đầu về số lượng di sản thế giới là Indonesia với 9 di sản, Việt Nam đứng thứ 2 với 8 di sản được công nhận (5 di sản văn hóa, 2 di sản thiên nhiên và 1 di sản hỗn hợp). Tiếp theo là Philippin có 6 di sản được công nhận, Thái Lan có 5 di sản, Malaysia có 4 di sản, Lào có 3 di sản, và Singapore có 1 di sản.
Về di sản phi vật thể (Intangible Cultural Heritage), năm 2001, UNESCO bắt đầu ghi danh các di sản phi vật thể với danh hiệu: Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại (từ năm 2008, đổi tên gọi là Di sản phi vật thể đại diện), và ngay trong đợt đầu tiên này đã có 19 di sản được đưa vào danh mục. Năm 2003, Công ước di sản phi vật thể được thông qua và ban hành; cùng năm này đã có thêm 28 di sản phi vật thể được ghi danh. Đến nay, toàn thế giới đã có 213 di sản phi vật thể được ghi vào Danh mục, trong đó khu vực châu Á- Thái Bình Dương dẫn đầu với 102 di sản, châu Âu và Bắc Mỹ có 57 di sản, châu Mỹ La Tinh có 30 di sản, châu Phi có 17 di sản, các nước Ả Rập có 11 di sản.
Việt Nam đang sở hữu và đồng sở hữu 13 di sản phi vật thể, trong đó có 12 di sản đại diện và 1 di sản cần bảo vệ khẩn cấp (ca trù).
Thác Niagra, Canada, di sản thiên nhiên thế giới
Từ năm 1994, UNESCO đưa ra Chương trình Ký ức thế giới để công nhận các di sản văn hóa dưới dạng tư liệu (Documentary Heritage), đến nay đã có hàng trăm di sản thuộc loại hình này đã được công nhận. Việt Nam hiện đã có 7 di sản tư liệu đã được UNESCO công nhận ở 2 cấp độ: thế giới và khu vực châu Á – Thái Bình Dương (3 di sản tư liệu thế giới là Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Bia tiến sĩ Văn Miếu Thăng Long; 4 di sản tư liệu khu vực châu Á – Thái Bình Dương là: Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm – Bắc Giang, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế – Thừa Thiên Huế, Mộc bản trường học Phúc Giang – Hà Tĩnh, và bản đồ Hoàng Hoa Sứ trình đồ – Hà Tĩnh).
Nếu không tính đến các danh hiệu khác cũng do UNESCO công nhận như Công viên địa chất toàn cầu, khu dự trữ sinh quyển thế giới… thì đến nay Việt Nam đã có 28 di sản thuộc 3 loại hình (di sản vật thể, di sản phi vật thể và di sản tư liệu) được UNESCO công nhận, trong đó có 8 di sản vật thể, 13 di sản phi vật thể và 7 di sản tư liệu.
Cố đô Huế đang sở hữu và đồng sở hữu 7 danh hiệu về di sản được UNESCO vinh danh, bao gồm 1 di sản vật thể (Quần thể di tích Cố đô Huế, 1993), 3 di sản phi vật thể (Nhã nhạc – Âm nhạc cung đình Việt Nam, 2003; Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ, 2016; và Nghệ thuật hát bài chòi, 2017), và 3 di sản tư liệu (Mộc bản triều Nguyễn, 2009; Châu bản triều Nguyễn, 2014; và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, 2016).
Như vậy, Cố đô Huế chiếm đến 1/4 tổng số di sản được UNESCO công nhận tại Việt Nam, xứng danh là vùng đất của văn hóa, di sản. Ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong đó chỉ rõ: Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện với môi trường và thông minh. Đây là cơ hội tuyệt vời để Cố đô Huế xây dựng, phát triển trên nền tảng bảo tồn và phát huy các kho tàng di sản văn hóa và thiên nhiên đồ sộ của mình.
Phan Thanh Hải
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)
Similar Articles
Phủ đệ – nơi lưu giữ Huế xưa
Du khách đến Huế, dường như ai cũng muốn tham quan những cung điện vàng
Khám phá Tam Giang – Đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á
Ngoài đền đài, lăng tẩm..., xứ Huế còn có sản phẩm du lịch mang tên
Những điệu hò tạo dựng nên tâm hồn của người Huế
Với vị thế địa văn hóa và địa chính trị đặc biệt, xứ Huế không