Văn hóa Huế | Homepage

Chín ngọn núi đúc trên cửu đỉnh Huế

🕔25.Jun 2020

Ở mỗi đỉnh trong số 9 cái đỉnh dựng ở trước Thế Miếu Huế có 18 hình đúc nổi. Trên mỗi đỉnh có 3 tầng; tầng giữa được coi là trọng tâm giao tiếp nên có hình trời, đất và người. Trong số các hình đúc nổi đó có hình ảnh 9 ngọn núi tiêu biểu của đất nước của và vương triều. Dưới đây là sơ lược về 9 ngọn núi đó.

Chín ngọn núi đúc trên cửu đỉnh Huế -1
Thiên Tôn Sơn

Thiên Tôn Sơn được chạm ở Cao đỉnh. Thiên Tôn Sơn tức núi Thiên Tôn, còn gọi là núi Triệu Tường, núi Am ở tỉnh Thanh Hóa. Núi Thiên Tôn nằm về phía Tây Bắc huyện Hà Trung (huyện Tống Sơn cũ); trong vùng núi có Gia Miêu ngoại trang (nguyên quán của dòng họ Nguyễn Phúc), có lăng Triệu tổ Nguyễn Kim của nhà Nguyễn, và lăng Đức Bà (vợ của Nguyễn Kim) cũng táng gần đó. Mạch núi này chạy từ huyện Thạch Thành như chuỗi ngọc kéo xuống, rồi nổi lên 12 ngọn liền nhau, cỏ cây xanh tốt trông như gấm vóc. Ở phía Đông Bắc có dãy Tam Điệp, rồi đến núi Thần Phù chạy dài ở phía trái. Ở phía Tây có núi Điều Doanh, núi Trạch Lâm, núi Trang Chữ chạy vòng ở phía phải. Nguồn nước từ khe Rồng rót xuống Tống Giang, lượn vòng ở đằng trước.

Năm Minh Mạng thứ 2 (1821), vua dụ rằng: “Nước nhà ta gây dựng nghiệp lớn, giữ mệnh trời lâu dài. Kính nghĩ lăng tổ khí thiêng chung đúc, chứa chất phúc lành, phong thần núi hiệu là Thiên Tôn, đều làm đền thờ để đáp ơn thần”. Núi Thiên Tôn còn được thờ theo vào đàn Nam Giao ở Kinh đô Huế.

Chín ngọn núi đúc trên cửu đỉnh Huế -2
Ngự Bình Sơn

Ngự Bình Sơn là núi Ngự Bình ở Thừa Thiên Huế được chạm ở Nhân đỉnh. Núi ở về phía Tây Bắc huyện Hương Thủy, nay thuộc phường An Cựu, thành phố Huế. Núi nổi vọt lên ở quãng đất bằng như bức bình phong, cao chừng 104 mét, được xem là tặng vật trời ban để làm lớp án thứ nhất trấn giữ trước Kinh thành Huế.

Tên xưa của núi là Mạc Sơn, hoặc là Bằng Sơn, vì trông nó tựa như một con chim bằng đang đậu, mặt quay về phía Bắc với đôi cánh hơi khuỳnh ra hai bên trông thật khỏe. Đời Gia Long xây dựng kinh thành, vua lên núi chơi, thấy đỉnh núi bằng phẳng, hình dáng uy nghi, cân đối, đẹp như một ngọn núi nhân tạo, khắp nơi trồng cây thông, cho tên núi là Ngự Bình.

Năm Minh Mạng thứ 2 (1821), nhà vua ngự giá lên chơi, xem xét hình thế, thấy hai bên tả hữu núi đất đứng đối nhau, nhân đấy gọi tên núi phía tả là Tả Phù, núi phía hữu là Hữu Bật. nhà vua lại ngự lên núi, cho bá quan theo hầu ăn yến ở trên núi, nhân đấy, ngự soạn bài thơ ghi lại việc này. Tiết Trùng cửu, các vua Nguyễn lên chơi núi bắt đầu từ đấy.

Năm Thiệu Trị thứ 4 (1843) ngự chế tập thơ “Thần Kinh nhị thập cảnh” (Hai mươi bài thơ tả cảnh đẹp ở Kinh sư), trong ấy có bài vịnh núi này, đầu đề là “Bình Lãnh Đăng Cao”. Bài thơ ấy được khắc vào một tấm bia bằng đá thanh khá đẹp, đặt trong một nhà bia xây gạch kiểu vòm cuốn, tọa lạc ngay dưới chân núi. Bây giờ, nhà bia đã hư hỏng, nhưng tấm bia vẫn còn y nguyên.

Núi Ngự Bình là biểu tượng tự nhiên của vùng đất văn hóa lịch sử vốn được các chúa Nguyễn chọn đóng thủ phủ và vua nhà Nguyễn chọn làm kinh đô.

Chín ngọn núi đúc trên cửu đỉnh Huế -3
Thương Sơn

Thương Sơn tức núi Thương ở Thừa Thiên Huế được chạm ở Chương đỉnh. Núi còn có tên là núi Thiên Dữu (sau này có người gọi là núi Kim Phụng). Núi ở phía Nam huyện Hương Trà, hình thế núi khum khum cao lớn, trông như vựa thóc tròn. Ngày trước trên đỉnh núi có giếng, nước rất trong mát, trong giếng có cá. Tương truyền giếng này là nơi để tiên xuống tắm. Thương Sơn là một ngọn núi đẹp khác thường. Nó được nhiều nhà phong thủy xem là ngọn núi chủ thứ nhất của hệ sơn mạch xứ Huế. Ngọn núi được thi sĩ Tùng Thiện Vương chọn làm bút hiệu. Năm Tự Đức thứ 3 (1850), núi này được xếp vào hàng danh sơn, chép trong điển thờ. Hàng năm sai quan sắm lễ vật đến tế sơn thần.

Chín ngọn núi đúc trên cửu đỉnh Huế -4
Hồng Sơn

Hồng Sơn tức núi Hồng Lĩnh ở Hà Tĩnh được chạm ở Anh đỉnh. Hồng Sơn tức núi Chim Hồng do ngày trước có nhiều chim hồng ở trên đó. Núi ở vị trí giữa hai huyện Can Lộc và Nghi Xuân của tỉnh Hà Tĩnh. Mạch núi từ Trà Sơn kéo đến, hình thế hùng vĩ, trông rất đẹp. Tương truyền dãy núi này có 99 ngọn, trong ấy có ngọn Am, cao vót chọc trời, mây mù bao phủ, phía Tây có hồ rất sâu, phía Nam hồ có hang động, có thể chứa được vài ba trăm người, dưới động có đá như hình người ngựa; lại có ngọn Lận, phía Nam có hồ, nước hồ chảy về phía Bắc đổ vào sông Lam. Lại có ngọn Đông Dương, cũng gọi là ngọn Hương Tích rất cao, hễ mây phủ tầng tầng là mưa, không bao giờ sai. Trên núi có thành đá, trong thành có 99 đài đá, gọi là đài Trang Vương, dưới thành có am bằng đá gọi là am Thánh Mẫu, dựng từ đời Trần.

Năm Thiệu Trị thứ 3 (1846), khi ngự giá Bắc tuần, nhà vua có làm thơ vịnh khắc vào bia, dựng nhà bia ở phía trái đường đi (bài thơ này có chép trong Thánh chế thi tập). Năm Tự Đức thứ 3, núi Kim Nhan được ghi chép là danh sơn của Nghệ An, núi Hồng Lĩnh là danh sơn của Hà Tĩnh, cả hai được ghi vào điển thờ.

Chín ngọn núi đúc trên cửu đỉnh Huế -5
Tản Viên Sơn

Tản Viên Sơn tức núi Tản Viên được khắc ở Thuần đỉnh. Núi Tản Viên ở giữa địa giới hai huyện Tùng Thiện và Bất Bạt tỉnh Hà Tây cũ (nay thuộc thành phố Hà Nội). Núi có 3 ngọn cao vót, hình tròn như cái tán; trên núi có dựng đền thiêng. Nhà bác học Lê Quý Đôn từng viết rằng, núi Tản Viên ở địa giới các huyện Bất Bạt và Minh Nghĩa (tức huyện Tùng Thiện), mạch núi từ Mường Thanh liên tiếp chạy dài, đến đây thì nổi vọt 3 ngọn thành hàng ở giữa hai sông Thao và sông Đà.

Cảnh sắc 2 bờ lưu vực xanh tươi, hình thế cao cả, như trấn giữ đất nước; ngọn giữa rất cao, có đền thờ Thượng Đẳng thần. Ở đỉnh núi, sườn núi và chân núi có các đền Thượng, Trung và Hạ, núi cao sát trời xanh, suốt ngày có mây bao phủ.

Theo Bắc Thành địa dư chí của Lê Đại Cương, núi này ở 4 mặt có sông bao bọc, cây cối um tùm, hình thế đẹp sáng, trên núi có giống cỏ kỳ lạ, có tên “vô phong độc dao” (không có gió mà cỏ vẫn lay động); thân cỏ có hai nhánh, tự chụm vào nhau và tự tách ra. Năm Tự Đức thứ 3 (1850), liệt Tản Viên vào hàng danh sơn, chép trong điển thờ, hàng năm triều đình sai quan sắm lễ vật đến tế thần núi.

Chín ngọn núi đúc trên cửu đỉnh Huế -6
Duệ Sơn

Duệ Sơn tức núi Duệ được chạm ở Tuyên đỉnh. Núi còn được gọi là núi Lễ và nằm ở phía Nam huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Hình núi hơi nhọn, dáng đẹp, phía Đông núi gối đầu lên sông Tả Trạch. Núi Duệ như vị thần canh giữ, đứng trấn trị phía đầu nguồn sông Hương, làm án che chở cho vùng đất tọa lạc Văn Miếu và Võ Miếu. Núi Duệ cùng với Thương Sơn, núi Ngự Bình được xem là những ngọn chủ sơn tụ khí của linh mạch xứ Huế.

Dưới chân Duệ Sơn ngày trước có nhiều cây thạch xương bồ mọc, bây giờ thi thoảng mới gặp. Năm Minh Mạng thứ 20, nhà vua lại ban sắc lệnh cho việc tế thần núi Duệ hàng năm.

Chín ngọn núi đúc trên cửu đỉnh Huế -7
Đại Lãnh

Đại Lãnh là tên dãy núi được chạm ở Tuyên đỉnh. Núi Đại Lãnh là ranh giới giữa Phú Yên và Khánh Hòa hiện nay. Sách Đại Nam dư địa chí ước biên của Cao Xuân Dục chép: “Đại Lãnh là ngọn núi nổi tiếng. Cực Nam vốn không có địa giới, sách Đường thư chép có cột đồng Mã Viện ở đó là sai. Đông đầu lại có hình người, vua Lê Thánh Tông khắc dấu biên cương lên bia đá. Mạch núi Đại Lãnh từ núi Chủ (Chủ Sơn) tới, phía Đông giáp biển, phía Nam có suối lớn…”.

Đây là một trong những nhánh núi của dãy Trường Sơn đâm ra biển. Thời Pháp thuộc được gọi là Cap Varella. Cuối thế kỷ thứ 19, người Pháp đã xây dựng ở đây một ngọn hải đăng để tàu thuyền ra vào.

Chín ngọn núi đúc trên cửu đỉnh Huế -8
Hải Vân Quan

Hải Vân Quan được chạm trên Dụ đỉnh ở về phía Đông Nam huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Trên đỉnh đèo của núi dãy Hải Vân có xây cửa có độ cao hơn 496m so với mặt nước biển. Trên ngạch phía trước đề ba chữ Hán “Hải Vân Quan”, trên ngạch phía sau đề sáu chữ Hán lớn “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” (Cửa ải hùng vĩ nhất dưới gầm trời).

Cửa được xây dựng từ năm Minh Mạng thứ 7 (1826), ban đầu đặt một viên phòng thủ úy, và biền binh thường trú, mỗi tháng một lần thay đổi phiên. Năm thứ 17 (1836) thì tăng lên 2 viên Phòng thủ úy mỗi tháng thay đổi một lần, còn biền binh thì cứ 15 ngày thay đổi; lại được triều đình phát cho “Bản vẽ hiệu cờ” của các nước ngoại dương để tiện theo dõi; lại cấp cho ống nhòm thiên lý để quan sát ngoài biển xa.

Phát hiện thuyền nước ngoài vào cửa biển Đà Nẵng thì phải báo trước cho cửa quan này. Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Núi Hải Vân là chỗ giáp giới giữa tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên. Trước kia, ranh giới ở xứ Thạch Bàn và phía Bắc đèo có khắc chữ vào mốc gỗ, đến khi xây cửa quan trên đèo thì chuẩn định từ cửa quan trở về Bắc thuộc quản hạt phủ Thừa Thiên, ngoài cửa quan trở về phía Nam thuộc quản hạt tỉnh Quảng Nam”.

Chín ngọn núi đúc trên cửu đỉnh Huế -9
Hoành Sơn

Hoành Sơn tức núi Ngang được chạm ở Huyền đỉnh. Đây là dãy núi phân định giữa tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh; ở đó có dãy núi băng ngang, đường đi quanh co lên xuống, nên quen gọi đèo Ngang. Đây là một dãy núi từ phía Tây chạy dài mà đến, ngọn chỏm chồng chất, kéo ngang ra tận biển, trông như bức trường thành. Hồi họ Nguyễn mới vào trấn thủ rồi làm chúa phía Nam, dãy núi này thuộc về phía Bắc (Đàng Ngoài).

Vào đầu niên hiệu Gia Long mới đặt dinh Quảng Bình, lấy núi này làm giới hạn, từ giữa đèo trở ra Bắc thuộc Nghệ An, (bấy giờ chưa lập tỉnh Hà Tĩnh) trở vào Nam thuộc Quảng Bình. Năm Minh Mạng thứ 14, triều đình cho đặt cửa quan trên đèo, đóng quân phòng thủ. Tương truyền, lúc chúa Nguyễn Hoàng còn ở Đông Kinh (Thăng Long), muốn thoát khỏi chúa Trịnh, một hôm ông sai người đến gặp Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm hỏi kế lâu dài. Nguyễn Bỉnh Khiêm liền nói: “Hoành Sơn nhất đới, vạn đại dung thân”, (nghĩa là: Một dải Hoành Sơn có thể dung thân muôn đời), tức là chỉ dãy núi này.

Châu Quân
(Theo Doanh nhân+)

Similar Articles

Bắp miệt Cồn

Bắp miệt Cồn

Cồn Hến, nhìn lên cầu Trường Tiền - Ảnh: wikipedia Mỗi lần qua về Cồn Hến,

Tản mạn hành trình bún Việt

Tản mạn hành trình bún Việt

Trong ẩm thực Việt Nam, bún là loại món ăn được ưa thích, có mặt

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Chiều chiều, chay xe lên Kim Long ngắm dòng Hương xinh đẹp, tạt vào quán

Đường đến lăng mộ vua Gia Long hơn 100 năm trước khác gì?

Đường đến lăng mộ vua Gia Long hơn 100 năm trước khác gì?

Theo ghi chép cửa Leopold Cadiere, đường đến lăng mộ Gia Long buộc phải đi

Màu tết ở Đông Ba

Màu tết ở Đông Ba

Tết Nguyên đán đã đến gần. Những ngày này, cùng với tiết trời hửng nắng

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose