Văn hóa Huế | Homepage

Giữ hồn bài chòi

🕔08.Jan 2015

Thanh Thủy Chánh (Thủy Thanh, TX Hương Thủy) là làng duy nhất trong tỉnh còn duy trì được hội bài chòi nhưng vẫn còn thiếu những yếu tố cần thiết để tạo nên sức hấp dẫn, mang lại tiếng cười của người chơi và người xem.

Rủ nhau đi đánh bài chòi…

Mẹ chồng tôi chưa đến tuổi lão, chưa sinh hoạt trong hội người cao tuổi của thôn nhưng cứ năm mới đến, bà lại đăng ký 1 suất với các cụ để tham gia bài chòi – trò chơi mà với bà, tết về là phải chơi, còn không thì xem như năm ấy không có tết. Bài chòi ở quê tôi không có nhạc, không có anh hiệu mà chỉ có 2 dãy ghế dài. Trên ghế thì các cụ và trẻ nhỏ còn bế trên tay ngồi, lúp xúp đứng quanh là những người trẻ tuổi và tụi trẻ con lóc chóc. Chẳng vậy mà tết nào trời tạnh ráo, được con cái chở về hội bài chòi ở Thủy Thanh (Hương Thủy) chơi vài ván là bà thích lắm, coi như tết đó vui vẻ nhiều. Mà hay, không riêng mẹ tôi, trong làng chúng tôi còn nhiều người già rất thích trò này. Họ bị hấp dẫn không phải cái lạ của trò chơi, hay thắng thua hơn thiệt trong mỗi ván bài mà chính là ở cái mục hát hò đưa đẩy để gọi tên mỗi con bài. Như mẹ tôi vẫn thiệt tình: “Nghe người ta hát là mạ lại nhớ mệ nội mạ lắm. Mạ thích cảm giác nớ, nhớ thời mình nhỏ được theo mệ đi đánh bài chòi tết”.

bài chòi
Chơi bài chòi ở Thủy Thanh

Làng Thanh Thủy Chánh là nơi duy nhất của cả tỉnh còn giữ được sinh hoạt mở hội bài chòi ngày tết. Người chơi ngồi trong các chòi tre lợp lá. Mỗi hội bài chòi gồm có 11 chòi, 5 chòi đặt hai bên, 1 chòi ở giữa, còn phía trên là bàn điều khiển. Mỗi hội bài được chia thành 9 ván, mỗi ván người chơi phải đánh hết 5 quân bài. Kết thúc mỗi ván, nếu chòi nào ăn đủ cả ba cặp quân bài trước thì hô “tới” và được tặng cờ, thưởng tiền. “Đi bài” là một người cầm ống tre đựng những quân bài xóc xóc, đi quanh những chiếc chòi và hô bài bằng những câu hát dân ca có từ trùng với tên con bài. Chẳng hạn, người chủ trò hát câu: “Rủ nhau đi đánh bài chòi/ Để cho con khóc đến lòi rốn ra…” là con “rốn”. Hay, nhiều khi chỉ là những câu hát vu vơ, tếu táo và đánh đố nhưng người chơi quen tay, rành rõi cũng hiểu được con bài là gì. Như, “Không ăn trầu, cũng chẳng đánh son/ Rứa mà cái chi cứ đỏ lói lói…” là ý chỉ con mỏ… Trong chòi, ai đang cầm trên tay con bài vừa rao thì đưa lên.

Mệ Lê Thị Chanh, một trong những người cao tuổi của xã Thủy Thanh biết hát nhiều câu hô bài chòi, vui lắm: “Tui biết hát từ thời 30 tuổi. Tết năm mô cũng có hội bài chòi bày ra đánh. Họ đánh nhiều lắm. Trưa mệt, họ lên Cầu Ngói ăn uống nghỉ ngơi, rồi lại xuống đánh. Họ đánh cả ngày. Đây là truyền thống của làng rồi, từ lúc xưa đến chừ, cứ có hội là có bài chòi, thích lắm”!

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã phê duyệt Kế hoạch xây dựng hồ sơ đề cử quốc gia “Nghệ thuật bài Chòi miền Trung” đề nghị UNESCO đưa vào danh sách di sản phi vật thể đại diện nhân loại. Thừa Thiên Huế là một trong số 10 tỉnh thành được khảo sát, thu thập thông tin, phục vụ việc xây dựng hồ sơ. Trong quá trình khảo sát, các nhà nghiên cứu văn hóa thống nhất rằng, bài chòi ở Thừa Thiên Huế đang biến đổi theo xu hướng đơn giản hóa, lược bớt chức năng vai trò của anh hiệu (người đi bài), nhạc lễ, câu ca diễn xướng và cả chòi chơi…

Ths. Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế, cho rằng: Trước đây, một ván chơi có khi kéo dài cả hai ba giờ, sự được thua chẳng làm ai đoái hoài bởi cái chính là để nghe và xem “anh hiệu” trổ tài diễn xướng, nhưng nay do nhiều tác động, một ván chơi kết thúc rất nhanh. Mục đích tổ chức hội bài chòi hiện ngoài việc vui chơi còn là mong muốn tạo thêm nguồn thu nên hội bài bỏ qua nhiều nghi lễ, nghi thức mà đi thẳng vào hội chơi và hô nhanh các con bài. Điều này khiến cho trò chơi ngày càng đơn giản mà mang ý nghĩa khác. Ông Nguyễn Mậu Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh cũng cho rằng hiện trạng này đang ít nhiều xuất hiện ở các hội bài chòi của địa phương. Chính vì vậy, với định hướng tập trung quy hoạch và phát triển bài chòi thành hoạt động chính ở xã để phát triển du lịch, Thủy Thanh từng bước hỗ trợ kinh phí và tạo điều kiện về nhiều mặt để ban tổ chức của các hội bài đầu tư chất lượng tốt hơn.

Việc bảo tồn loại hình bài chòi cũng đặt ra nhiều thách thức. Theo Ths. Lê Anh Tuấn, nếu hiện nay các hội người cao tuổi đang nỗ lực duy trì bài chòi qua các hình thức khác nhau thì việc phát triển nó lại cần đến lớp trẻ. Trong khi đó, những cách làm hiện nay chưa thể kéo được người trẻ đến với trò chơi này, chứ chưa nói đến việc họ kế thừa để có trách nhiệm làm sống lại sinh khí của bài chòi.

Đồng Văn
(Theo Thừa Thiên Huế)

Truyền dạy cho lớp trẻ

“Tổ chức bài chòi ở Thủy Thanh thành một câu lạc bộ chuyên nghiệp rồi nhân rộng ra các làng khác. Để nhân rộng mô hình sinh hoạt bài chòi ở Thủy Thanh hiện nay một cách thiết thực và hiệu quả, các ban ngành văn hóa và chính quyền địa phương phải có sự hỗ trợ kinh phí xây dựng chòi, nhằm đảm bảo tổ chức thường niên theo hình thức truyền thống. Ngoài việc tạo sân chơi cho cộng đồng địa phương, còn tạo môi trường truyền dạy đầy sinh động cho lớp trẻ, tạo nhân tố duy trì trò chơi dân gian này”, Ths. Lê Anh Tuấn đề nghị.

Similar Articles

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế

Là đô thị di dản, "Thành phố xanh quốc gia", cố đô Huế có hệ

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Chùa Tra Am – chốn tiêu diêu

Tra Am là ngôi chùa mà tôi biết sớm nhất ở Huế. Đó là khi

Gánh bún tinh mơ

Gánh bún tinh mơ

5g sáng, nhiều người vừa tạt xe vào lề đường với niềm háo hức sẽ

Huế và hoàng mai

Huế và hoàng mai

Ký ức một thời lại về trong mỗi người, mỗi gia đình khi sắc màu

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Câu chuyện về Đồn Mang Cá

Nhiều thế hệ Việt Nam, đã từng quen thuộc với hình ảnh "chú bé loắt

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose