Văn hóa Huế | Homepage

Mít, chả mít và…

🕔14.Aug 2018

Ông chú cho trái mít. Mít ráo vùng Thủy Bằng. Vùng đất ấyđồi sỏi nhưng cây trái rất ngon. Cây trái ở đây khó thành hàng hóa lớn bán rất được giá. Họ thường gọi đính kèm tên trái và chữ vườn. Ví dụ như thơm vườn, ổi vườn, mít vườn. Ở vùng bãi bồi La Khe Trẹm, bưởi, thanh trà cũng rất ngon nhưng vì ít nên chưa có tiếng. Có thể nói ngon nhất là chè xanh. Thực ra gọi là chè Tuần là gọi cả chè của vùng Thủy Bằng nữa. Được trồng trên đất đồi sỏi nên chè Thủy Bằng lá nhỏ. Lá chè được lặt ra, rửa sạch rồi vò sơ. Đổ tí nước nóng tráng qua rồi đổ đầy bình nước nóng. Ủ vào tích để uống cả ngày. Nước có vị chát ngọt và màu xanh trong ngả vàng. Để cả ngày vẫn không đổi màu. Mít ngon bây giờ là mít Thủy Bằng. Nó gợi tôi nhớ về một thứ mít hồi xa xưa. Cái hồi mà cả đất nước còn nghèo khổ.

Mit-tron-Da-Nang-2[1]
Ảnh: Internet

Trong đời không biết có ai đã ăn chả mít chưa? Còn tôi thì có. Khi học hết lớp chín, ra Quảng Ngãi nhận bằng tốt nghiệp, gọi là bằng tốt nghiệp cấp hai. Bây giờ cũng là bằng ấy nhưng có tên gọi khác. Ghé nhà chị Tuyết là chị nuôi (chuyên nấu bếp ăn tập thể cho học sinh) ăn nhờ bữa cơm. Bữa cơm nghèo nhưng nhớ mãi. Chị kiếm đâu được trái mít ướt. Bóc lấy múi xong. Xơ và phần còn lại gần vỏ bằm nhuyễn vo viên rồi xào với mỡ. Đó là món chả mít tôi được ăn chỉ duy nhất một lần trong đời. Thế mà nhớ mãi.

Sau này thì được ăn mắm mít. Cũng mít vườn. Mít và thơm trộn lại, rồi bí đao, bầu xắt mỏng phơi khô, trộn chúng lại với nhau muối mắm. Cũng ăn với cơm. Ăn loại mắm này vừa giòn vừa ngọt. Lẽ chẳng qua thời ấy khó khăn quá mà người nhà quê sáng tạo ra các món ăn. Và sau này có nhiều món trở thành đặc sản. Ví dụ như đến thành phố Pleiku, Gia Lai có món nộm sắn. Là lá sắn của bà con đồng bào. Hái về xắt nhỏ rồi luộc chín. Trộn với thịt hoặc các loại hải sản tùy thích. Lần đầu ăn món này thấy lạ và cũng thú vị. Rồi mắm ruột (cá) kho quẹt ăn với cà giòn…

Hôm qua cũng được ăn bánh xèo cá kình. Tôi trộm nghĩ, khởi thủy món này chắc cũng chỉ đổ bột gạo thôi. Cốt là để dễ ăn và ăn cho chắc bụng. Sau này thì người dân chế biến sáng tạo thêm. Thêm con cá kình, con tôm. Nói bánh xèo cá kình nhưng thật ra là đủ loại hải sản khác. Cứ thế thành món. Món bánh xèo cá kình làng Chuồn mình e có lịch sử như vậy.

Tôi đã có dịp về tận chợ làng Chuồn vào buổi sáng sớm để ăn món này. Khắp làng Chuồn có rất nhiều hàng (không phải quán) bán bánh xèo cá kình. Riêng ở chợ làng Chuồn lúc ấy tôi đếm được cả thảy 6 hàng. Với người làng Chuồn làm nghề đánh bắt thủy sản trên đầm phá vào ban đêm đi ăn bánh xèo cá kình thì rất dễ nhận biết. Sau một đêm đánh bắt, tôm cá từ đầm phá được thu hoạch, nhiều người để dành lại một ít mang thẳng đến chợ nhờ đổ bánh. Người bán bánh chỉ lấy phần bột và công, cũng rất rẻ. Hải sản như vậy mới gọi là tươi ngon. Gọi bánh xèo cá kình nhưng thật ra có nhiều thứ. Có thể cá dìa, tôm. Nói chung ai thích thứ gì thì thêm “nhân” bánh thứ ấy, nhưng có lẽ ngon nhất là cá kình cho nên bánh mới có tên gọi như vậy.

Người không biết, như là du khách thì ăn bánh xèo cá kình hay bỏ phần ruột cá. Còn người làng Chuồn đã ăn cá kình không bao giờ họ bỏ ruột. Ruột cá có vị đắng nhẩn. Họ bảo là vì cá kình ăn các loại rong tảo ở đáy đầm phá nên tạo ra vị đắng ấy. Ăn ruột cá kình ngủ rất ngon giấc. Cho nên nó là “đặc sản”. Xem ra người làng Chuồn cũng rất “sành” ăn.

Nguyên Lê
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Ơi những chuyến đò Cồn

Ơi những chuyến đò Cồn

Cồn Hến, địa danh từng được ví là con rồng xanh nằm chầu và bảo

Chùa trong mỗi người

Chùa trong mỗi người

1. Mẹ ốm. Một ngày trước khi lên bàn mổ, mẹ rủ tôi lên chùa.

Khúc serenata sông Hương

Khúc serenata sông Hương

Chiều chiều, tôi hay thơ thẩn ra sông. Qua hai ngã tư đến công viên

Mưa Huế, lụt Huế

Mưa Huế, lụt Huế

Những ngày xa nhà làm quen với đời sinh viên ký túc xá, mưa Huế

Lụt Huế

Lụt Huế

Đêm nghe nước lên từng hồi. Từ Chi Lăng, Phú Hậu, An Hoà, Tây Lộc

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose