Văn hóa Huế | Homepage

Tết cũ quê nhà

🕔03.Feb 2019
1. Lâu rồi không ghé quán nhậu “Ô Lâu” của thằng Tý bạn học của tôi. Thằng Tý chừ mấy đứa choai choai ở làng gọi là anh Tý “ nổ”. Không biết hắn hay “ nổ” chuyện chi mà lại được mang danh như rứa? Nhớ hồi đi học, mấy đứa trong lớp kêu hắn là Tý “ mổ” bởi vì hắn bị bệnh viêm tai giữa, thỉnh thoảng mủ (mổ) chảy ra khỏi tai. Một tật nữa là mỗi lần hắn ho thì to lắm, cứ kêu “ộn, ộn” thầy cô giáo giảng bài không được phải kêu hắn ra khỏi lớp để ho cho hết tràng rồi vô học lại…
Nhưng thằng Tý “\mổ” lại làm tôi nhớ vì một chuyện khác. Hắn là đứa  có đôi dép Lào đầu tiên của lớp tôi. Tôi nhớ năm học lớp 7, hồi nớ dép Lào mới ra, lại đắt tiền nên ai có đôi dép Lào là oai lắm. Làng tôi chỉ có những anh thanh niên đi tìm trầm trên rừng mà “trúng cội” mới về chợ Đông Hà sắm cho mình được đôi dép Lào về làng. Thanh niên ra đường làng mà đeo dép Lào là  oách lắm rồi. Mấy chị thôn nữ làng tôi thấy anh mô có dép Lào trong chân, thêm cái quần Jean nữa là bàn tán liền…Rứa mà thằng Tý “mổ” từ đi chân đất tới lớp lại bỗng nhiên lên đời bằng đôi dép Lào màu vàng chóe. Hắn tới lớp nhảy ngay lên bàn khoe: “Anh tau đi trầm “trúng cội” mua cho tau đôi dép Lào đây, cho tụi bây ngắm đã luôn!”. Sau đó hắn biểu diễn về độ bền của đôi dép Lào bằng cách bẻ cong chiếc dép rồi thả ra mà không có dấu vết chi hết; kéo quai dép ra thiệt mạnh mà không bị đứt… Nói chung là từ ngày có đôi dép Lào thằng Tý “mổ” bỗng dưng oai phong  hẳn trong mắt cả lớp…

Cũng từ ngày Tý “ mổ” mang dép Lào tới trường, trong lớp tôi thằng mô cũng ao ước có đôi dép Lào mang Tết. Tôi về không dám nói với ba mạ nhưng nói qua thằng em trai là Tết tới đây không có áo quần mới cũng được nhưng có đôi dép Lào thì sướng biết mấy! Tất nhiên ao ước của tôi đã đến tai ba mạ. Rứa là đầu tháng Chạp, ba nói năm ni không may áo quần mới cho mấy đứa nhưng sẽ mua dép Lào cho hai đứa!

Hai đôi dép Lào một xanh, một vàng cho hai anh em tôi đã đến nhà đúng vào chiều ba mươi Tết khi o Xuân đi buôn chuyến hàng cuối cùng trong năm từ chợ Đông Hà vô. Tôi sướng rơn khi nhìn o Xuân cầm hai đôi dép Lào đưa cho mạ tôi!  Rứa là suốt buổi chiều cuối năm, tôi cứ cầm đôi dép Lào màu vàng mà ngửi lui ngửi tới cái mùi cao su mới thơm thơm. Đêm giao thừa,  tôi bỏ luôn đôi dép bên cạnh mà ngủ chờ trời sáng.

Sáng mồng một Tết có mấy đứa trong xóm đã khoe áo mới  xúng xính ngoài đường. Tôi xỏ ngay đôi dép Lào màu vàng  chạy thênh thang ra ngõ. Thiệt lạ là đã mấy chục năm rồi, đi bao nhiêu là giày là dép rồi mà tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác sung sướng của sáng đầu năm cùng với đôi dép Lào vàng chóe chạy nhảy khắp đường trên ngõ dưới. Tất nhiên, Tết năm đó, lớp tôi cũng có nhiều đứa được ba mạ sắm cho dép Lào đón Tết. Đó là cái Tết dép Lào của tôi…

2. Những mùa Tết ấu thơ ở quê  của tôi không phải Tết  mô trẻ con cũng được có áo mới. Có năm hai anh em tôi được ba mạ may cho hai cái áo sơ mi mua từ vải từ Cửa hàng mậu dịch của xã. Sau khi lấy số đo khoảng 3 ngày,cứ chiều chiều, sau khi tan học hai anh em tôi  lại rủ nhau ghé qua trước ngõ nhà chú Châu thợ may ở xóm Chợ rón rén nhìn vô coi thử áo mình đã may xong chưa. Chờ đợi hy vọng áo may xong rồi lại  thất vọng ra về vì đã giáp Tết rồi vẫn chưa thấy chiếc áo mới của mình được treo lên … Mãi cho đến chiều 30 Tết áo mới may xong. Tôi đạp xe cầm hai cái áo mới mà lòng vui như Tết nghĩ tới cái cảnh để sáng mai mồng một Tết sẽ được khoe áo mới với bạn bè.

Lại chuyện thằng Lợi hàng xóm của tôi, có năm Tết không được may đồ mới (mặc dù hắn đã mấy lần nài nỉ ba mạ hắn). Rứa là sáng mồng một hắn mặc nguyên một bộ đồ cũ đã bạc màu ngồi ngay trước cửa nhà cho bỏ tức. Sau này nhắc lại chuyện cũ, thằng Lợi vẫn thường hối hận vì còn nhỏ không hiểu cái khó cái nghèo của ba mạ.

Lớn lên, không còn quan trọng chuyện áo quần mới ngày Tết nữa mà lại nhớ ánh mắt bừng sáng của ba mạ nhìn đàn con chợt phổng phao hẳn lên khi khoác bộ đồ áo mới sáng mồng một Tết những mùa Tết đã xa…

Phi Tân

 

Similar Articles

Ủ Tết (Thì thầm lá hoa)

Vườn bà tôi ngày trước đầy hoa trái, bốn mùa xanh rợp lá cây, hầu

Nhớ những chuyến xe lam

Nhớ những chuyến xe lam

Hôm qua chú em họ đăng Facebook về những chiếc xe lam - một thời

Trong bóng dáng mệ quê

Trong bóng dáng mệ quê

Những ngày này Huế mưa, nhớ mạ thiệt nhiều, mà đi chợ càng nhớ hơn,

Lụt Huế

Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Tôi từng là đứa con nít mê chuyện cổ tích và trò chơi bán đồ

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose