Văn hóa Huế | Homepage

Neo mình vào bến sông quê

🕔19.Sep 2019

“Mấy ngày nay cúp nước, thiệt là quá khổ sở!”, bạn điện thoại về từ một thành phố lớn làm tôi giật mình. Thời tiết này mà cúp nước thiệt còn khổ hơn cả cúp điện.

Như một đứa con thẹn thùng nhận ra sự vô tâm của mình, chiều đến tôi chạy lên chùa Thiên Mụ đứng ngắm dòng Hương ở khúc quanh đẹp nhất, lòng bồi hồi “Sông ơi, cảm ơn sông!”. Được đi đây đó khá nhiều, tôi nhận ra nước sông Hương trong, ngọt và thơm, là của quý trong thời buổi khan hiếm nguồn nước sạch.

Trong nhiều cách lý giải về tên gọi của dòng Hương, có một ý hướng về nghĩa là hương thơm, truyền thuyết nói do một loài cỏ mang tên thạch xương bồ ở đầu nguồn làm dòng nước thơm. Trong một chuyến ngược nguồn dòng Hương đến ngã ba Bằng Lãng, nhà văn Nguyễn Văn Dũng cho rằng, dòng sông còn mang thêm hương thơm của những người con gái Huế trên những bến nước sông quê. Đó là những buổi sáng, buổi chiều bên bến sông xanh, họ gánh nước, giặt giũ, đùa chơi, vẻ đẹp của những nàng thôn nữ như lặn vào dòng sông.

Ghé thăm nhà một nữ trí thức ở Kim Long, câu chuyện trong khu vườn xanh hoa lá của bà loanh quanh rồi cũng quay lại sông Hương. Bà cho biết, bà và những người bạn đang có dự định xây lại những bến sông dọc theo bờ sông Hương, đoạn từ đường Nguyễn Hoàng lên chùa Thiên Mụ.

Ý tưởng xây lại những bến sông quê đầy tính hoài niệm. Xưa những bến sông quê thường được xây bằng hai trụ biểu nho nhỏ và hàng bậc cấp đi xuống bến nước, có khi chỉ là hai cọc tre khô và cánh cửa xiêu vẹo, thậm chí chỉ là một đường đất nhỏ núp trong cỏ dại um tùm. Cứ nhỏ nhắn thế mà xanh, mà đẹp, mà thành nỗi nhớ. Cầu mong khi xây dựng lại bến sông quê các chị giữ được chất mộc, dân dã và xanh mát của cây, cỏ, đừng làm tổn hại đến một triền sông xanh um đang đẹp như mơ của dòng Hương.

Bây giờ thì nước máy đã đến tận nhà nên nhiều bến nước sông quê không còn thấp thoáng bóng; cái thú tắm sông cũng giảm nhiều nhưng những người từng một thời tắm bến sông quê thỉnh thoảng vẫn thấy lòng mình ngập tràn bao thương nhớ khi bắt gặp những bến nước nhỏ dọc hai bờ các dòng sông. Vào buổi sáng mai hay chiều hè, bến sông nằm im như lắng nghe dòng đời trôi, đã quá lâu rồi vắng bóng tiếng cười trẻ con và bàn chân thiếu nữ, lưng gầy của mạ trên những bến sông này.

Bến nước sông quê vẫn còn đó, không phải là hoài niệm. Bến Me nổi tiếng của Huế, nơi dang tay khỏa nước của biết bao thanh thiếu niên Huế mấy chục năm qua, bây giờ được sửa sang sạch đẹp, vẫn là người bạn thân thiết của mỗi sáng, mỗi chiều hè. Hay những “cô nàng mê sông Hương” 20, 30, 40 tuổi đã chọn bến sông nhỏ ở Kim Long bơi cho thỏa niềm đam mê của tuổi thơ còn vọng lại, tự nguyện nhặt rác làm sạch khúc sông này.

Trong muôn ngàn tiếng vọng của đời sống và tâm hồn con người của một vùng đất, vùng văn hóa, những bến sông quê mang nụ cười của trẻ thơ, bóng dáng của mẹ, của chị và soi bóng hình cây cỏ, bấy nhiêu thôi đã đủ để neo một con người vào quê hương của mình.

Xuân An
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Mưa Huế, lụt Huế

Mưa Huế, lụt Huế

Những ngày xa nhà làm quen với đời sinh viên ký túc xá, mưa Huế

Lụt Huế

Lụt Huế

Đêm nghe nước lên từng hồi. Từ Chi Lăng, Phú Hậu, An Hoà, Tây Lộc

Lụt Huế

Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến

Quãng nghỉ trong đời

Quãng nghỉ trong đời

Gần đây, rất nhiều người bạn của tôi có mong muốn được trở thành công

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Tôi từng là đứa con nít mê chuyện cổ tích và trò chơi bán đồ

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose