Văn hóa Huế | Homepage

Bến Văn Lâu, ngày xưa từng đã rộn ràng

🕔15.Jun 2020

Bến Văn Lâu ngày nay là nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hóa quan trọng (Ảnh: Đăng Tuyên)

Phu Văn Lâu là công trình kiến trúc được dựng lên do lệnh của vua Gia Long. Ban đầu, đây chỉ là một toà nhà nhỏ có tên Bảng đình, dùng làm nơi công bố các chiếu thư, chỉ dụ của nhà vua hoặc các bảng vàng công bố kết quả thi Hội, thi Đình. Năm 1819, Bảng đình được thay thế bằng một toà kiến trúc hai tầng mái độc đáo với tên gọi là Phu Văn Lâu. Đây còn là nơi ban phát lịch hoặc các sinh hoạt vui chơi dành cho dân chúng do triều đình tổ chức… Để tỏ lòng tôn trọng triều đình, trước đây có hai tấm bia “Khuynh cái hạ mã”, quy định ai đi qua đây cũng đều phải nghiêng lọng, xuống ngựa.

Trước bờ sông Hương đối diện Phu Văn Lâu có bến Phu Văn Lâu (dân gian thường gọi Bến Văn Lâu). Hò xứ Huế hát từ thơ cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị thành câu mái nhì hết sức nổi tiếng gắn liền với địa danh này:

“Chiều chiều trước bến Văn Lâu
Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm?
Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông?
Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Nghe câu mái đẩy, chạnh lòng nước non!”.

Câu hò buồn thảm này chỉ vua Duy Tân khởi nghĩa không thành, phải chịu đi đày ở đảo Reunion. Nhưng trước đó, trong thời hoàng kim Triều Nguyễn, bến Văn Lâu đã từng có những ngày tháng rộn ràng.

Bến Văn Lâu thời các vua Nguyễn

Lang trung Bộ Công Nguyễn Văn Hiền trong bài “Phu Văn Lâu” in trong BAVH tập 2, 1915 có kể một số chuyện liên quan: Năm 1837, niên hiệu 11, vua Minh Mạng muốn lễ tứ tuần của mình được tổ chức long trọng. Triều đình treo giăng đèn lồng khắp nơi ở Hoàng cung và Gia Hội, đồng thời lập một nhà thờ nổi trước bến Phu Văn Lâu. Xung quanh nhà nổi, các làng quanh Kinh thành được lệnh dựng nhiều nhà nhỏ, che vải màu rực rỡ, ban đêm thắp đèn sáng trưng, cử các bô lão canh nhà.

Vua Minh Mạng mở đầu cuộc vui bằng cách đi thăm các ngôi nhà đó. Mỗi khi vua đi qua, mọi người quỳ xuống và dâng trà chúc mừng. Vua cũng ban tận tay các vị bô lão đang thọ trăm tuổi một lạng sâm, quế và một đồng tiền vàng. Vua biết các làng dựng nhà tốn kém, lệnh cho Bộ Lễ tính tiền để trả. Các làng không dám nhận số tiền rộng lượng của vua để tỏ lòng trung thành, song vua lệnh phải hoàn lại, đồng thời tổ chức tiệc chiêu đãi các bô lão tại chính các ngôi nhà đã dựng trước bến Phu Văn Lâu. Vua Minh Mạng cũng cao hứng làm thơ: “Hãy rót rượu cho tràn đầy/ Để mừng thọ, ta đã mời các vị lão thành”… Trong 3 ngày mở tiệc, vua đều làm thơ.

Tháng 7 năm 1840, vua Minh Mạng có đến Phu Văn Lâu để dự buổi duyệt binh gồm bộ binh và kỵ binh. Sau đó, vua ra bến Phu Văn Lâu để duyệt thủy binh. Vua đã rất khen ngợi khi nhìn thấy đội thủy binh thuyền buồm.

Mừng lễ ngũ tuần, vua Minh Mạng tổ chức chiêu đãi cho các cụ già ít nhất phải được 70 tuổi còn khỏe mạnh trong 3 ngày, khách tham dự đến từ các tỉnh Thừa Thiên và Tứ Trực (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Quảng Bình). Các khách mời đều được tiếp đón ở trong các ngôi nhà nhỏ dựng trước Phu Văn Lâu như năm trước. Riêng các cụ trăm tuổi, vua đích thân đến trao lời chúc mừng thân mến và trân trọng, và tặng quà cho cả các cụ già không đến dự vì không còn sức để bước. Sau đó, vua Minh Mạng lên thuyền Phước An đậu trên bến Phu Văn Lâu để chiêu đãi cho tất cả đàn ông, đàn bà, trẻ nhỏ có tham gia việc xây dựng. Số người tham dự ở trước bến Phu Văn Lâu rất đông, vui chơi trong ba ngày, có cả những vũ khúc của người dân tộc thiểu số Bát Man, Trấn Biên, Lạc Biên…

Tháng 7/1843, vua Thiệu Trị cho dựng bên phải Phu Văn Lâu một nhà bia nhỏ, trên mặt bia khắc bài “Hương Giang hiểu phiếm” (Đi chơi thuyền buổi sáng trên sông Hương) là bài thứ 11 trong 20 bài thơ nhà vua làm ra để ca ngợi 20 cảnh đẹp nhất của Cố đô, gọi là Thần kinh nhị thập cảnh.

Năm 1847, vua Thiệu Trị làm lễ tứ tuần, 773 ông lão có số tuổi cộng lại là 59.017 tuổi đã đến lạy mừng tại Phu Văn Lâu. Vua phát quà cho các vị bô lão tuổi trên 80, trên 90 và 100 tuổi, và làm bài thơ ca ngợi những người già.

Thời Tự Đức, năm 1878, vua làm lễ ngũ tuần. Các chức sắc đến dâng lễ vật ở Phu Văn Lâu. Vua ra trước Bến Văn Lâu, lên thuyền hai tầng Tế Thông chơi các trò chơi, nhảy múa và ca hát. Sau đó cho thuyền đi đến bến đò cổng thành Đông Nam (cửa Thượng Tứ) xem bắn đại bác.

Sôi động hơn trong nhịp sống đương đại

Trong khoảng mười năm trở lại đây, không gian trên bến Văn Lâu đã dần sôi động hơn. Đêm 25/3/2009, Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế tổ chức đêm thơ Nguyễn Khoa Điềm ở Phu Văn Lâu, đó cũng là lần đầu thơ kéo công chúng ra quảng trường. Lễ Phật đản năm 2012 (Phật lịch 2556), bến Văn Lâu chứng kiến hàng vạn người dân đổ ra bờ sông xem hoa đăng. Âm nhạc đương đại trên nền nhạc truyền thống mang màu sắc Phật giáo diễn ra tại sân khấu nổi, 20.000 ngọn hoa đăng lung linh cả mặt sông. Bảy tòa sen hồng tượng trưng cho bảy bước chân Phật lúc đản sinh thắp sáng cùng hơn 50 chiếc thuyền hoa, hàng đèn màu soi bóng và màn pháo hoa nghệ thuật rực rỡ khiến cho sông Hương trở nên thật quyến rũ, thật lộng lẫy trong đêm hội.

Năm 2015, bến Văn Lâu là nơi tổ chức đánh cờ người trong Festival Nghề truyền thống Huế. Chương trình “Âm nhạc Trịnh Công Sơn” tại Festival Huế 2018. Coupe de Hue 2019 từng chọn Phu Văn Lâu làm nơi cán đích. Cũng năm này, lần thứ 2, ngày hội Lân Huế được tổ chức, trở thành sự kiện có quy mô quốc tế với sự tranh tài của các đội lân sư rồng danh tiếng đến từ các quốc gia Malaysia, Singapore, Thái Lan và hơn 60 đội lân sư khắp ba miền Việt Nam. Năm 2020, bến Văn Lâu đang chờ đón giải chạy “VnExpress Marathon – VM Huế 2020” do Báo Điện tử VnExpress tổ chức, với mong muốn mở ra một sân chơi lành mạnh đối với những người yêu thể thao – đặc biệt là chạy bộ. Với quy mô tổ chức hơn 5.000 vận động viên đến từ trong nước và quốc tế.

Cần nhiều hơn những hoạt động như thế để đêm sông Hương ngày càng sôi động.

Hoàng Thảo
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Bắp miệt Cồn

Bắp miệt Cồn

Cồn Hến, nhìn lên cầu Trường Tiền - Ảnh: wikipedia Mỗi lần qua về Cồn Hến,

Tản mạn hành trình bún Việt

Tản mạn hành trình bún Việt

Trong ẩm thực Việt Nam, bún là loại món ăn được ưa thích, có mặt

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Chiều chiều, chay xe lên Kim Long ngắm dòng Hương xinh đẹp, tạt vào quán

Đường đến lăng mộ vua Gia Long hơn 100 năm trước khác gì?

Đường đến lăng mộ vua Gia Long hơn 100 năm trước khác gì?

Theo ghi chép cửa Leopold Cadiere, đường đến lăng mộ Gia Long buộc phải đi

Màu tết ở Đông Ba

Màu tết ở Đông Ba

Tết Nguyên đán đã đến gần. Những ngày này, cùng với tiết trời hửng nắng

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose