Văn hóa Huế | Homepage
Vua Thành Thái – vị vua yêu nước của vương triều Nguyễn

Vua Thành Thái – vị vua yêu nước của vương triều Nguyễn

🕔16.Jan 2014

Vua Thành Thái chính tên là Nguyễn Phúc Bửu Lân, còn có tên là Nguyễn Phúc Chiêu. Ông là con thứ 7 của vua Dục Đức và bà Từ Minh Hoàng hậu Phan Thị Điểu, sinh ngày 22 tháng 2 năm Kỷ Mão, tức 14-3-1879.

 Năm ông bốn tuổi, vua cha Dục Đức bị phế và chết trong tù, ông theo mẹ về quê ngoại ở Phú Lương (ngoại thành Huế). Đến nǎm được chín tuổi, vì ông ngoại là Phan Đình Bình (làm quan Thượng thư bộ Hộ) bị vua Đồng Khánh bắt giam rồi bỏ cho chết, Bửu Lân lại phải cùng mẹ lên kinh đô, chịu sự quản thúc, sống trong cảnh thiếu thốn.

vua thanh thai
Vua Thành Thái (1879 - 1954) là vị Hoàng đế thứ 10 của nhà Nguyễn, tại vị từ 1889 đến 1907.

Ngày 28 tháng 1 năm 1889, vua Đồng Khánh lâm bệnh qua đời, triều đình Huế rút kinh nghiệm các lần lập vua trước đấy, phải xin ý kiến của Tổng sứ Trung Bắc KỳPierre Paul Rheinart, vì con trai của Đồng Khánh là Bửu Đảo mới có ba tuổi không nối ngôi cha được. Ở tòa Khâm sứ lúc này có ông Diệp Vǎn Cương đang làm thông ngôn. Diệp Vǎn Cương lấy bà cô ruột của Bửu Lân, và cũng có cảm tình thương hại vua Dục Đức, nên cố tìm cách cho cháu mình lên ngôi. Ông dịch cho khâm sứ nghe hoàn toàn khác với ý của Viện cơ mật. Vì thế, Bửu Lân được chọn lên ngai vàng. Bà Phan Thị Điểu nghĩ tới cảnh của chồng xưa, và thảm kịch bốn tháng ba vua trước đây nên khóc lóc, không đồng ý, phải khuyên giải mãi mới ưng thuận.

Ngày 2 tháng 2 năm 1889, Bửu Lân lên ngôi lấy hiệu là Thành Thái. Lúc bấy giờ, hoàng tử Bửu Lân mới hơn mười tuổi, nhưng vóc người đã lớn, có vẻ lanh lợi, thông minh. Ông cầm đầu vương triều được 16 nǎm, dài hơn tất cả các vua triều Nguyễn, từ sau khi Tự Đức mất (trừ Bảo Đại). Triều Thành Thái khác các triều trước ở chỗ lễ đǎng quang không có Truyền quốc bửu tỷ ấn ngọc, lúc rời khỏi kinh thành Huế, vua Hàm Nghi đã mang theo và đánh mất tại tỉnh Quảng Bình. Cho nên lúc tại vị vua Đồng Khánh đã phải dùng một ấn ngọc khác. Ngoài ra, di chiếu cũng không có. Vua Dục Đức hay vua Đồng Khánh không truyền ngôi lại cho vua Thành Thái. Không ấn ngọc, không di chiếu, nhưng lại có một toán lính Pháp bồng súng đóng ở bên trong cửa Ngọ Môn.

Vua Thành Thái trong triều phục.

Sau khi một viên quan xướng “trung nghiêm ngoại chỉnh” vua Thành Thái đội mũ Cửu long mặc hoàng bào, mang đai ngọc, tay cầm trần quê từ điện Cần Chánh bước lên kiệu, có quan quân theo hầu, ngự ra điện Thái Hòa. Trên lầu Ngọ Môn rung chuông đánh trống cho đến khi vua bước vào điện mới ngừng hẳn.

Sau khi bắt tay viên Tổng trú sứ và những người tháp tùng, khó khǎn lắm vua mới leo lên mấy tầng cấp để ngồi vào ngai vàng. Một viên quan xông trầm hương ngào ngạt. Bên ngoài 21 tiếng súng lệnh nổ vang lên, báo hiệu khởi sự lễ đǎng quang.Rheinart đọc chúc từ. Vua bước xuống ngai đứng nghe, đoạn đọc đáp từ bằng chữ Hán viết vào một thẻ ngà. Giọng vua sang sảng vang lên giữa mấy gian điện rồng.

Thành Thái là một ông vua trẻ có nhiều tính cách đặc biệt. Tuy còn nhỏ tuổi, nhưng khi lên ngôi, ông đã có vẻ là một người lớn, có tư thế ung dung, giao thiệp đàng hoàng với quan lại kể cả người Nam, người Pháp. Những ngày đầu tiên, tuy đã là vua song ông vẫn thích chơi bời, nghịch ngợm như những chàng thiếu niên tự do khác. Ông có một số quan phụ chính giúp đỡ như các ông Tuy Lý Vương, Nguyễn Trọng, Trương Quang Đản, thường có lời can ngǎn ông, nhưng không được ông nghe lời. Các bà hậu ở Lưỡng cung rất lo cho ông, đã bắt ông ra ở đảo Bồng Dinh trên hồ Tịnh Tâm và quản thúc ông rất ngặt, để đưa vào khuôn phép. Một thời gian sau, ông mới trở về Đại Nội.

Vua Thành Thái được đánh giá là người ham học hỏi, cầu tiến, yêu nước và chống Pháp. Khác với những vị vua trước đây, ông học chữ Nho, học chữ Pháp và cho cả con cái của mình cùng theo học chữ Pháp nữa. Không nói ra, nhưng rõ ràng ý định của ông là học chữ Pháp để có thể giao tiếp với những người này với tinh thần chống Pháp chứ không phải để làm tay sai cho Pháp. Ông còn cắt tóc ngắn, mặc âu phục, học cả lái ca nô, xe hơi, làm quen với vǎn minh phương Tây. Ông để ý đến cả các loại vũ khí, đã giao cho họa sĩ Lê Vǎn Miến (tốt nghiệp trường mỹ thuật Paris) vẽ cho ông các khẩu súng Pháp. Thành Thái làm thơ không nhiều, nhưng có nhiều bài xuất sắc. Ông cũng ham vǎn nghệ, đánh trống tuồng khá thành thạo, có khi lên đóng một vài vai tuồng ở Duyệt Thị Đường. Có thể nói là ông hiểu biết khá toàn diện.

Nghĩ đến tiền đồ của Tổ quốc, vua Thành Thái đã vi hành gặp Thượng thư Ngô Đình Khả bàn việc mở trường Quốc học Huế (1896) để đào tạo nhân tài có trình độ về văn minh, văn hóa Tây phương. Nhiều công trình xây dựng có ảnh hưởng đến ngày nay mang niên hiệu Thành Thái như Bệnh viện Trung ương Huế (1894), cầu Trường Tiền (1897), phố Trường Tiền, chợ Đông Ba (1899)…

 Năm 1897, cầu Trường Tiền được khâm sứ Trung kỳ Levécque giao cho hãng Eiffel của nước Pháp thiết kế và hoàn thành vào năm 1899.

Vua Thành Thái dần dần bộc lộ tinh thần dân tộc rất cao. Ông rất khinh ghét những bọn quan lại xu phụ. Có lần, cầu Long Biên ở Hà Nội (được lấy tên viên toàn quyền Pháp, nên gọi là cầu Doumer) xây dựng xong, Hoàng Cao Khải đưa ra một danh sách xin nhà vua ban thưởng cho những người có công, nhà vua đã cười nhạt mà trả lời: “Ta có biết mặt mũi những đứa nào đâu”. Những người Pháp thường xuyên gần gũi không được ông trọng thị lắm. Nhiều viên quan to như Nguyễn Thân đã tiến con gái đến cho vua (con gái ông này là đệ nhất giai phi của Thành Thái) song cũng không được ông trân trọng. Vì vậy họ thường có thành kiến với ông.

Vua Thành Thái rất thích đọc những tân thư chữ Hán của Trung Quốc và Nhật Bản. Nhờ đó vua có tinh thần tự cường dân tộc và đầu óc cải cách. Có những tài liệu nói là nhà vua đã toan bí mật sang Trung Quốc, nhưng mới đi đến Thanh Hóa đã bị thực dân Pháp ngǎn chặn. Lại có ý kiến cho rằng ông đã đồng tình giúp đỡ,… tạo điều kiện cho Cường Để xuất dương theo Phan Bội Châu sang Nhật. Những thông tin ấy còn phải xác minh, nhưng đó là cơ sở để người ta tin vào tinh thần chống Pháp của nhà vua.

Vua Thành Thái còn bí mật lập các đội nữ binh để che mắt Pháp. Một số tài liệu ghi rằng vua đã chiêu nạp được 4 đội, mỗi đội 50 người, đội trước huấn luyện xong thì trở về gia đình và nạp đội mới, khi có thời cơ sẽ cùng nổi dậy chống Pháp. Nhưng sự việc cuối cùng bị lộ khi Thượng thư Bộ Lại và Cơ mật viện báo cho Khâm sứ Pháp Levécque.

Trước các ý tưởng cấp tiến của vua Thành Thái, người Pháp lo ngại tìm cách ngăn trở. Để che mắt, Thành Thái giả hành động như một người mất trí. Khi các bản vẽ vũ khí của ông bị phát hiện, Thành Thái giả điên, cào cấu các bà cung phi và xé nát các bản vẽ. Lợi dụng cơ hội này, bọn thực dân đã tìm cách phế truất Thành Thái, vì chúng nhận ra đây là một ông vua bất trị. Người Pháp phao tin nhà vua bị điên, không thể ngồi trên ngai vàng được, ép ông thoái vị, nhường ngôi cho con vì lý do sức khỏe. Viên Khâm sứ Pháp Levécque còn nói thẳng là đã biết ông có ý đồ chống Pháp, nên không để ông ở ngôi được. Còn nếu Thành Thái muốn tại vị thì ông phải ký vào một tờ giấy xin lỗi, tuyên bố với quốc dân là có âm mưu chống lại nước Pháp, nay phải thành thực hồi tâm. Nhưng ông đã ném tờ tuyên cáo thảo sẵn ấy xuống đất, cười vào mũi Levécque và nói với các quan lại tuỳ tùng:

Muôn dân nô lệ từng đàn

Vui chi bệ ngọc ngai vàng riêng ta

Hỡi ôi! Mất nước tan nhà

Cứu thù quốc sỉ ấy là nợ chung

Ngày 29-7-1907, nhân dịp Thành Thái không phê chuẩn việc bổ nhiệm một số quan lại đã được Khâm sứ Levécque và Hội đồng Thượng thư thỏa thuận, Levécque đã tuyên bố truất quyền và quản thúc Thành Thái trong Đại Nội. Một Hội đồng Phụ chính do Trương Như Cương cầm đầu được thành lập.

Ngày 3-9-1907, triều thần theo lệnh của Pháp vào điện Càn Thành dâng vua dự thảo chiếu thoái vị, có chữ ký của các đại thần (trừ Ngô Đình Khả), với lý do sức khoẻ không bảo đảm, xin tự nguyện thoái vị. Xem xong bản dự thảo, Thành Thái chỉ cười, ghi ngay hai chữ “phê chuẩn” rồi quay lưng đi vào.

Ngày 12-9-1907, thực dân Pháp giải ông vào Sài Gòn rồi đưa đi quản thúc tận Cap Saint Jacques (Vũng Tàu ngày nay). Con trai ông nối ngôi là vua Duy Tân, vẫn tiếp tục chống Pháp và cũng bị thất bại nǎm 1916. Nǎm ấy, Pháp đày cả hai cha con Thành Thái, Duy Tân sang đảo Rê-uy-ni-ông (Réunion) và ở trên đảo này cho đến nǎm 1947 mới được thả về Sài Gòn.

mo vua thanh thai

 Mộ vua Thành Thái trong khuôn viên thành An Lăng tại xã An Cựu, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên.

Ông mất ngày 24-3-1954, sau chuyến đi thǎm thành phố Huế lần cuối cùng (1953) và được an táng tại khuôn viên thành An Lăng (lăng Dục Đức) tại xã An Cựu, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên. Ông thọ 75 tuổi, làm vua được 16 nǎm, bị đi đày 40 nǎm.

Lê Khiêm (theo Bảo tàng lịch sử)

Nguồn:

  1. Vũ Ngọc Khánh, “Thành Thái (Bửu Lân 1889-1907)”Những vua, chúa sáng danh trong lịch sử Việt Nam, H.: Thanh niên, 2012, tr. 305-313.
  2. Tôn Thất Bình, “Thành Thái (1889-1907)”Triều đại nhà Nguyễn, Đà Nẵng: Nxb. Đà Nẵng, 2000, tr. 115-126.
  3. Nguyễn Đắc Xuân, “Vua Thành Thái (1889-1907)”Chín đời chúa, mười ba đời vua Nguyễn, Huế: Thuận Hóa, 1996, tr. 142-146.

Similar Articles

Đọc lại chương Ái dân trong Minh Mệnh chính yếu

Đọc lại chương Ái dân trong Minh Mệnh chính yếu

Đọc lại chương Ái dân trong "Minh Mệnh chính yếu" chúng ta có thể rút

Chuyện thêm về ông hoàng Bảo Đại

Chuyện thêm về ông hoàng Bảo Đại

Cựu hoàng Bảo Đại. Ảnh tư liệu Bái vọng Gia Miêu Sử cùng nhiều tài liệu còn

Tình báo trong chiến dịch đánh Phú Xuân của Chúa Trịnh Sâm

Tình báo trong chiến dịch đánh Phú Xuân của Chúa Trịnh Sâm

Trong chiến dịch tiến đánh Phú Xuân năm Giáp Ngọ 1774, Chúa Trịnh Sâm và

Tết xưa chốn Hoàng cung

Tết xưa chốn Hoàng cung

Dưới thời Nguyễn, vào mùa xuân, có khá nhiều đại lễ được tổ chức như

Việc vua Minh Mạng giết chị dâu vẫn còn là một nghi án?

Việc vua Minh Mạng giết chị dâu vẫn còn là một nghi án?

Hoàng tử Cảnh (1780 -1801) là con trưởng của vua Gia Long. Trong thời gian

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose