Những gánh bún vỉa hè khắp các nẻo đường vùng đất Cố đô góp phần tạo nên dấu ấn cho món ngon trứ danh bún bò |
Không khó để tìm ra một gánh bún bày bán từ sớm tinh mơ, nhưng chỉ cần đi trễ thực khách sẽ “tay không đi về”. Hầu hết những gánh bún như thế toàn khách quen và người bán chỉ cần thấy mặt người ăn ngay lập tức sẽ đọc được vị.
Gần 30 năm cùng chồng bán ở vỉa hè sau lưng khách sạn Saigon Morin, gánh bún chị Nguyễn Thị Bình, tên thường gọi là Út dù không biển hiệu nhưng đã trở thành thương hiệu với người dân và du khách yêu thích món bún bò.
“Tôi bán từ cái hồi một tô 2.000 đồng. Giờ mỗi tô 25.000 đồng rồi. Thời gian mới đó nhanh thật”, chị Út hồi tưởng những ngày đầu khi là còn là thiếu nữ, được mẹ truyền lại nghề nấu bún rồi gánh bán dạo khắp nẻo đường trước khi ngồi cố định một chỗ.
3g sáng những ngày còn xuân, trời còn tờ mờ sương, chị Út cùng chồng đã lục đục bày biện gánh bún của mình cũng là lúc có những vị khách quen đứng chờ. Họ là những người lao động, giới xích lô, xe thồ, người đi tập thể dục sớm, và trễ hơn tí là những vị khách quen trong giới công chức, cán bộ.
Tay vừa lấy bún vào tô, chủ gánh bún liền hỏi: “Anh, chị mô đến trước?” Chỉ cần nghe câu trả lời, chị Út biết ngay khẩu vị của khách từ phần thịt gì, cay hay không, ít hay nhiều nước…
Cứ như thế, đôi tay chị Út thoăn thoắt phục vụ thực khách với đủ các loại bún bò, giò heo, bò tái, chả cua, chả heo, gân, huyết… và trước khi tô bún đến tay người ăn, anh chồng chị Út cũng kịp đặt rổ rau sống tươi rói.
Nghe tiếng xuýt xoa của người ăn hay kêu thêm miếng thịt, mới hiểu được vị ngon của gánh bún này như thế nào. Theo lời chị Út, mỗi buổi sáng chị bán tầm khoảng 12kg bún, tương đương khoảng 100 tô. “Hầu hết là khách quen. Có người ăn đây hơn 20 năm, thân thương lắm”, chị Út chia sẻ. Cứ như thế gánh bún của chị Út đã trở thành thương hiệu dù chừng ấy năm ngồi vỉa hè chưa bao giờ chị bỏ một bảng hiệu nào.
Để cuốn hút người ăn và hết sớm như thế, người phụ nữ tuổi ngoài 50 này thật thà kể, cũng như nhiều gánh bún khác, để làm nên nồi bún ngon nhất định phải có hai vị cơ bản là sả và ruốc, nước bún hầm từ xương bò. Các loại thịt đều được chị dậy sớm và lấy ngay tại lò nên luôn tươi ngon.
Là khách quen của gánh bún này, anh Nguyễn Vũ (32 tuổi, TP. Huế) kể rằng, gần như tuần nào cũng ghé 1 – 2 lần để được thưởng thức khẩu vị ưa thích. Với anh Vũ, dù không biển hiệu hay bày biện sang trọng, nhưng điều đặc biệt để lại ấn tượng ở gánh bún vỉa hè này chính là cái vị ngọt thơm của nước, cũng như chất lượng của mỗi miếng thịt được người nấu chăm chút chọn lựa. Thế nhưng có lần chỉ cần đến trễ sẽ nhận ngay cái lắc đầu, vẩy tay cùng nụ cười báo hiệu đã hết. “Mình cũng từng nhiều lần dẫn bạn bè đến đây ăn. Ai cũng tỏ ra bất ngờ khi có quán bún ngon nhưng lại bán rất sớm và cũng hết rất sớm”, anh Vũ chia sẻ.
Cũng như gánh bún chị Út, nhiều gánh bún vỉa hè khắp các nẻo đường vùng đất Cố đô dù không gắn bảng hiệu nhưng ít nhiều cũng góp phần tạo nên dấu ấn cho món ngon trứ danh bún bò. Nhiều chủ nhân của gánh bún vỉa hè kể rằng, dù không sang trọng như những nhà hàng, quán bún lớn nhưng luôn tự tin về vị ngon và sự điêu luyện trong cách chế biến.
“Gánh bún của mình mỗi sáng chỉ nấu chừng đó, vài chục tô và toàn khách quen. Nhưng không phải quen mà bán sao cũng được, để giữ chân được khách mình phải giữ được cái vị ngon và cung cách phục vụ bao giờ cùng sạch sẽ”, một cụ bà với gánh bún trên đường An Dương Vương, TP. Huế lý giải. Nhìn bàn tay thoăn thoắt cũng như cách đưa chiếc vá để chọn miếng thịt theo yêu cầu của khách mới điêu luyện làm sao. Và nhìn vào trong chiếc nồi nhôm xưa như có nét cổ kính, hoài niệm, chứa tầm khoảng chục lít nước ấy mới hiểu được sự cuốn hút của người bán và kinh nghiệm của người sành ăn. Những gánh bún vỉa hè với chiếc nồi nhôm, cứ thế chở vị ngon riêng chưa bao giờ thôi cuốn hút người ăn vào những buổi sớm tinh mơ xứ Huế.
Nhật Minh
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)