Câu chuyện về Đồn Mang Cá
Nhiều thế hệ Việt Nam, đã từng quen thuộc với hình ảnh “chú bé loắt choắt”, thậm chí thuộc cả bài “Lượm” của nhà thơ Tố Hữu. Trong đó có câu thơ gắn với địa danh Đồn Mang Cá: “Cháu đi liên lạc/Vui lắm chú à/Ở Đồn Mang Cá/Thích hơn ở nhà”.
Đồn Mang Cá: Pháo đài quan trọng trấn giữ mặt biển Kinh thành Huế
Ở phía Đông Bắc của thành phố Huế, nằm ngoài cổng Trấn Bình, có một bức tường thành được làm từ đất gọi là Thái Bình đài.
Thái Bình đài ra đời vào năm 1805 dưới thời vua Gia Long. Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), bức tường thành được tôn tạo, xây bằng gạch với chu vi khoảng 1km, cao hơn 6 mét và rộng 14 mét. Đồng thời, Thái Bình đài được đổi gọi là Trấn Bình đài. Đặc biệt, phía bên ngoài của Trấn Bình đài có hào rộng 30 mét, ăn thông với hào thành, bảo vệ kiên cố cho công trình. Trấn Bình đài được thiết kế theo mô hình pháo đài Vauban, một dạng thành phòng thủ nổi tiếng của Pháp. Trong lòng pháo đài, tương truyền có hai hồ hình bán nguyệt, như hai chiếc mang cá khổng lồ, cho nên người ta thường gọi là Đồn Mang Cá.
Đồn Mang Cá là một phần của hệ thống phòng thủ, được xem là pháo đài thứ 25 của kinh thành Huế, bảo vệ mặt biển cho kinh đô. Vị trí quan trọng của nó được Jean-Yves Claeys (1896 – 1979), Giám đốc Sở Khảo cổ học Đông Dương lúc bấy giờ cho biết: Đồn Mang Cá, một công trình ngoại vi dạng chỏm cầu. Thoạt đầu, đồn được gọi là “Thái Bình đài” trước khi giữ vai trò phòng thủ về mặt biển cho thành phố.
Sau vụ đánh chiếm Trấn Hải thành ở khu vực cửa biển Tư Hiền năm 1883, người Pháp đã tìm cách chiếm hữu Đồn Mang Cá nhằm kiểm soát mặt biển của kinh thành Huế. Vì yếu thế, triều đình nhà Nguyễn phải nhường Đồn Mang Cá cho quân đội Pháp đóng quân theo tinh thần điều 5 của Hòa ước Patenôtre hay còn được biết tới là Hòa ước Giáp Thân (1884).
Cuốn sách “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ” của Charles-Édouard Hocquard (1853 – 1911) cho biết, bối cảnh thực dân Pháp chiếm đóng ngôi đồn này: “Khu nhượng địa này được giao cho chúng ta theo Hòa ước ngày 6.6.1884 quy định vua An Nam phải đặt trong thành một đội quân đồn trú Pháp. Bị ép buộc nhiều lần, các vị quan phụ chính của nhà vua trẻ tuổi đành miễn cưỡng thi hành. Họ dồn binh lính của ta vào một chỗ gọi là Đồn Mang Cá, nằm xa cung điện nhà vua, ở nơi hoang vắng nhất, ảm đạm nhất của hoàng thành. Binh lính ta chỉ có một khoảnh đất chừng năm trăm mét vuông, hoàn toàn cách ly với phần còn lại của Đại Nội”.
Từ đây, Đồn Mang Cá trở thành biểu tượng của sự đô hộ và áp bức. Khu vực Đồn Mang Cá cùng với Tòa Khâm sứ, cơ quan đầu não chính trị của Pháp được đặt bên Hữu ngạn sông Hương giám sát và can thiệp vào mọi chuyện của triều đình Huế. Mặc dù vậy, nơi đây cũng chứng kiến trận chiến phản ánh lòng dũng cảm của người Việt trong cuộc binh biến năm 1885, dưới sự lãnh đạo của vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết.
Chứng kiến trang sử đau thương của người Việt
Không cam tâm dưới sự áp bức của thực dân Pháp, phái chủ chiến trong triều đình Huế mà đứng đầu là Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết ngày đêm mưu đồ đánh đuổi Pháp. Ông đã liên lạc với phong trào Văn thân sĩ phu, huấn luyện binh sĩ, tích trữ súng đạn, lập chiến khu Tân Sở ở Quảng Trị, chuẩn bị cho một cuộc đánh úp lực lượng Pháp tại Huế.
Khi Trung tướng Roussel De Courcy (1827 – 1887) mới được cử làm Tổng sứ Bắc Kỳ và Trung Kỳ đổ bộ lên cửa biển Thuận An với một lực lượng hùng hậu gồm 19 sĩ quan và hơn 1.000 lính, hắn đòi quan Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết phải qua Tòa Khâm sứ trình diện. Tôn Thất Thuyết viện cớ bị bệnh không sang trình diện mà chỉ có quan Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường và Hộ bộ Thượng thư Phạm Thận Duật sang mang theo lễ vật của Thái hậu Từ Dũ. Tuy nhiên, Roussel De Courcy đã quyết tâm đánh chiếm kinh thành Huế.
Trước sự thách thức ngạo mạn của tướng Roussel De Courcy khi bắt triều đình Huế phải mở cửa giữa Ngọ Môn để đón cả phái đoàn, vua Hàm Nghi phải xuống ngai tiếp sứ thần Pháp, triều đình Huế cho rằng đó là một sự miệt thị uy quyền của vương triều. Khuya ngày 4.7, rạng sáng ngày 23.5 năm Ất Dậu (tức ngày 5.7.1885 Dương lịch), Tôn Thất Thuyết ra lệnh cho quân Phấn Nghĩa tấn công Pháp ở Đồn Mang Cá và Tòa Khâm sứ. Đạn thần công tấn công Tòa Khâm sứ phần lớn rơi xuống sông Hương, chỉ có một số ít làm cháy các lều trại nhỏ chung quanh. Đội quân đánh vào Mang Cá cũng tháo chạy trước hỏa lực của bọn lính đánh thuê đồn trú tại đây. Trước tình hình nguy cấp, Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi và triều đình rút khỏi kinh thành về Tân Sở (Quảng Trị), ban hành chiếu Cần Vương, kêu gọi văn thân, sĩ phu và nhân dân yêu nước đứng lên chống Pháp cứu nước.
Đến rạng sáng, cuộc binh biến thất bại, thực dân Pháp từ Đồn Mang Cá, Tòa Khâm sứ phản công. Một cuộc thảm sát chưa từng thấy đã diễn ra. Trước khi tiến vào Đại Nội, kẻ thù đã gây ra cảnh tượng kinh hoàng khi sát hại, cướp bóc không trừ một ai. Vào buổi trưa, quân Pháp chia nhau thiêu đốt hoặc chôn cất các thi thể của quân và dân ta đã hy sinh. Hơn 1.500 thường dân và binh lính đã mất mạng trong đêm đó, nhiều người chết do đạn Pháp, số khác do bị dẫm đạp trong lúc hoảng sợ cố gắng thoát khỏi thành cổ. Gần như không một gia đình nào ở Kinh thành Huế không có người mất trong đêm biến động kinh hoàng ấy.
Sự kiện đánh Đồn Mang Cá này không chỉ là một trận đánh, mà còn là biểu tượng của quyết tâm và lòng yêu nước, khi mà lòng dũng cảm, tinh thần không khuất phục của nhân dân ta, sẵn sàng đứng lên chống lại quân xâm lược, bất chấp sự chênh lệch lớn về sức mạnh quân sự.
Sau trận chiến này, năm 1886, Toàn quyền Paul Bert lại ép triều đình của vua Đồng Khánh nhường thêm một khu đất ở bên trong góc Đông Bắc của Kinh thành để quân đội Pháp xây dựng thêm doanh trại, đồn bót, bệnh xá, nhà thờ… Người Pháp còn xây một bức tường thành bằng đá và gạch cao để ngăn cách riêng biệt phần tô giới mà họ thủ đắc trong Thành Nội. Do đó, để phân biệt sự khác nhau giữa hai địa phận ấy, nhân dân địa phương đã gọi khu Trấn Bình đài là Mang Cá Nhỏ và khu đất mới nhường thêm ở trong góc Đông Bắc của kinh thành là Mang Cá Lớn.
Từ một pháo đài nhỏ ở góc Đông Bắc của kinh thành Huế, với cái tên mộc mạc, Đồn Mang Cá và trận chiến năm xưa ngày 5.7.1885 nổi lên như một biểu tượng của lòng dũng cảm, sự phản kháng và khát vọng tự do không bao giờ tắt của người Việt Nam; là điểm tựa tinh thần cho những người Việt Nam anh hùng đứng lên chống lại sự xâm lược, bảo vệ chủ quyền và tự do cho đất nước.
Nguyễn Hữu Mạnh
(Theo Lao động)
Similar Articles
Phủ đệ – nơi lưu giữ Huế xưa
Du khách đến Huế, dường như ai cũng muốn tham quan những cung điện vàng
Khám phá Tam Giang – Đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á
Ngoài đền đài, lăng tẩm..., xứ Huế còn có sản phẩm du lịch mang tên
Những điệu hò tạo dựng nên tâm hồn của người Huế
Với vị thế địa văn hóa và địa chính trị đặc biệt, xứ Huế không