Những vết vẽ, viết chữ hằn sâu trên di tích rất khó xử lý. Ảnh: Liên Minh

Hồi đầu năm 2023, việc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho nối thông khu vực Thượng thành của Kinh thành Huế đã giúp toàn bộ người dân và du khách có thêm địa điểm tham quan, trải nghiệm mới trước nay chưa từng có.

Tuy nhiên, việc nối thông Thượng thành này vô hình trung đã tạo cơ hội cho một vấn nạn đến từ sự vô ý thức của một bộ phận người dân và du khách. Đó là việc vẽ bậy lên di tích Kỳ Đài trước Ngọ Môn, trong đó có những hình vẽ, câu chữ vô cùng tục tĩu. Đây có thể coi là hành vi xâm hại, nếu không muốn nói là phá hoại một di tích đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới!

Đáng nói là việc xâm hại di sản bằng hình thức viết, vẽ bậy với tâm lý muốn được “lưu dấu kỷ niệm” cùng năm tháng của du khách xuất hiện ở hầu khắp các di sản, di tích trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế chứ không chỉ có ở Kỳ Đài.

Thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã đưa ra rất nhiều giải pháp để ngăn chặn vấn nạn này, như: Sơn sửa lại các điểm bị viết vẽ bậy tại khu vực Kỳ Đài, dán bảng cấm vẽ bậy lên di tích, cử thêm lực lượng bảo vệ, đồng thời tạm đóng cửa tham quan về đêm trên khu vực Thượng thành…

Tuy nhiên, các biện pháp nói trên của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vẫn chưa phát huy được hiệu quả. Di sản Kỳ Đài của Kinh thành Huế vẫn đã và đang tiếp tục bị người dân, du khách xâm hại, phá hoại bằng cách vẽ bậy, viết bậy.

Còn nhớ mới đây khi trao đổi với người viết về vấn đề này, một lãnh đạo của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, giải pháp khả thi nhất hiện nay là tăng cường lực lượng bảo vệ để giám sát nhưng hiện Trung tâm lại không có nhiều người. Giải pháp nữa cũng được Trung tâm nghĩ đến là lắp camera giám sát, nhưng lại vướng chỗ không đủ kinh phí vì phạm vi các di tích quá rộng.

Cuối cùng thì câu chuyện xâm hại, phá hoại di sản Kỳ Đài Huế thêm lần nữa cho thấy ý thức quá kém trong vấn đề tôn trọng, bảo vệ các di tích, di sản của người dân và một bộ phận du khách.

Và đáng nói là, theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, ý thức kém này không chỉ đến từ người dân và du khách trong nước, mà còn đến từ cả với du khách nước ngoài, đặc biệt là “khách Tây”. Bằng chứng là ở hầu khắp các di tích, di sản văn hóa thuộc quyền quản lý của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã và đang có rất nhiều “dấu tích” bằng hình vẽ và tiếng Anh với nội dung vô cùng “bá đạo” do du khách nước ngoài để lại.

Cho nên việc trông chờ vào sự văn minh lên của người dân và du khách, không chỉ ở trong nước mà còn đến từ khắp thế giới cũng không phải là chuyện dễ. Bởi thực tế cho thấy, để là một người có ý thức và văn minh trong ứng xử với di sản – có thể kể thêm việc xả rác ở công cộng – hình như đang quá khó, trước hết với con số không nhỏ người Việt mình!

Trước mắt, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cần phải có giải pháp mạnh hơn để giám sát, phát hiện và xử lý thật nghiêm khắc những trường hợp viết, vẽ bậy lên Kỳ Đài nói riêng và các di tích khác nói chung để răn đe, làm gương.

Đây cũng là một trong những bước để bảo vệ và phát huy di sản văn hóa, giá trị văn hóa truyền thống, đặc trưng của các dân tộc và con người Thừa Thiên Huế; “biến di sản thành tài sản”, “biến tiềm lực thành nguồn lực” để phục vụ phát triển… như Thông báo số 137 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế mới đây.

Nhân dịp này, thiết nghĩ cũng đã đến lúc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng nên cân nhắc lại chuyện miễn phí vé tham quan khu vực Thượng thành – Kỳ Đài một cách tự do như lâu nay. Thay vào đó là khoanh vùng từng khu vực để có bán vé tham quan nhằm quản lý tốt hơn.