Văn hóa Huế | Homepage

Hoa mướp dưới chân cầu

🕔09.Sep 2019

Sau này khi trở lại, khi người đã khuất vắng nẻo trời, tôi vẫn nhớ như in dáng quay vào trong khẽ khàng của mệ nơi trái nhà vàng huộm màu hoa mướp.

Những con đường vẫn thế. Có lẽ cũng tấp nập, mỏi mệt, uể oải như mọi ngày với người này nhưng lại tần ngần bao nỗi niềm với người khác. Là khi lòng dấy lên những kỷ niệm lặng lẽ. Như là sự đánh thức những khắc khoải rưng rưng đâu đó, ngày nào đó, mùa nào đó. Nên bụi dây leo này, tấm biển hiệu kia và cả góc quán nho nhỏ ấy nữa bỗng trở thành những quãng vơi. Đến nỗi quay đi mà vẫn có thể mường tượng được màu hoa, mùi hương, vị cà phê và chút khẽ khàng của tà áo trong không gian nho nhỏ.

Có những điều như thế, giản dị lắm, cứ làm ta nhoi nhói.

Nhưng hôm qua thì khác. Đó là khi tôi nhìn thấy đám hoa mướp dưới chân một cây cầu cạn. Tránh được đám bạch đàn, những bông hoa vàng mộc mạc nhoi ra ngoài nắng, bình thản sống phận đời của mình. Có lẽ không mặc định hẳn nhiên là như thế, nhưng khi cúi xuống từ mé cầu, trong mường tượng của tôi là một người phụ nữ đã luống tuổi, trìu mến và tần tảo chăm sóc giàn mướp của mình. Có thể, bà còn trò chuyện điều gì đó với lũ quả đang lớn xuống, mỗi ngày. Có thể hôm nào đó, chúng sẽ nằm ngoan trên chiếc rổ tre bên hông bà xuống chợ. Có thể chúng sẽ được bà cắt riêng chia cho những đứa con đã ra riêng, hay dành phần cho đôi bên hàng xóm… trong đôi tay ấp iu và nụ cười hiền hậu.

Là tôi cứ mường tượng thế, trong nỗi nhớ miên man về những ngày đã cũ. Như là cách mà má tôi đã cắt bầu, cắt bí và hái những quả su su đầy trĩu trên giàn leo phía sau bếp nhà mình hồi còn ở vùng đồi xứ Thanh để chia cho cô Mơ, cô Tím, chú Trí… Hồi đó bữa cơm luôn là rau quả, và dù có đến 4 anh chị em đang lớn trong sự bao bọc của ba má thì món rau củ vẫn là thực phẩm chủ lực. Những đứa bé nhất như tôi và cái Chính vẫn bê bát B52 ra ngoài sân để đọ xem ai có nhiều cơm hơn. Tôi nhớ ngày về ở một ngách nhỏ trên đường Hải Triều, gần sông An Cựu những năm 1980, cái Hiền và em nó vẫn rủ tôi lén hái hoa mướp nhà cô Vân để chơi đồ hàng. Nhớ cả mấy làn roi như cách má nhắc nhở cái tội phá hoại rau cỏ nhà hàng xóm, dù cô Vân không nói gì, chỉ ra vườn rào lại mấy thanh dậu để gà khỏi bươi theo cách mà cô nói. Ngày đó, ở mé phải đường vào khu tập thể, có một ruộng rau lũng bũng nước và ken lấp bèo hoa dâu. Lũ trẻ con chúng tôi đã mò mẫm ở đó cả buổi để rồi đổi xô bèo lấy 5 hào tiền kẽm mang về trong sự cắc củm mừng vui. Không nhớ chúng tôi đã dùng mấy đồng tiền kiếm được vào việc gì nữa, nhưng đám lá chuối nhà người ta cũng bị rọc trụi cho người ở chợ gói mắm, đùm muối. Cả vườn ổi sa lị phía sau nhà cũng không kịp chín. Nhớ cách mệ nhà đó lụi hụi ra thăm vườn vì nghe tiếng lũ trẻ. Nhớ cách mệ nói với vào trong là mấy con mèo hắn nghịch đó, rồi hạ giọng thật khẽ đủ để chúng tôi nghe “Từ từ rồi xuống kẻo ngã chừ, nghe mấy đứa…”. Sau này khi trở lại, khi người đã khuất vắng nẻo trời, tôi vẫn nhớ như in dáng quay vào trong khẽ khàng của mệ nơi trái nhà vàng huộm màu hoa mướp.

Kể ra thì tôi vẫn thấy mình may mắn khi sống ở nơi mà thường ngày, vẫn có những người đàn bà quày quả gánh mấy thứ nhà có ra chợ. Lắm khi ngó dài theo những bước chân thấp thững cùng mấy búp chuối, búp măng hay nắm rau, ít quả bầu quả mướp… tôi lại dậy lên trong mình cả một khung trời tuổi thơ đạm bạc mà tình nghĩa. Cả hôm nay nữa, tôi vẫn thấy hay vì đô thị đã lan ra ngoại vi cũ, cuộc sống vẫn còn dùng dằng lắm với mộc mạc rau cỏ vườn nhà.

Yên Minh
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Ủ Tết (Thì thầm lá hoa)

Vườn bà tôi ngày trước đầy hoa trái, bốn mùa xanh rợp lá cây, hầu

Nhớ những chuyến xe lam

Nhớ những chuyến xe lam

Hôm qua chú em họ đăng Facebook về những chiếc xe lam - một thời

Trong bóng dáng mệ quê

Trong bóng dáng mệ quê

Những ngày này Huế mưa, nhớ mạ thiệt nhiều, mà đi chợ càng nhớ hơn,

Mưa Huế, lụt Huế

Mưa Huế, lụt Huế

Những ngày xa nhà làm quen với đời sinh viên ký túc xá, mưa Huế

Lụt Huế

Lụt Huế

Đêm nghe nước lên từng hồi. Từ Chi Lăng, Phú Hậu, An Hoà, Tây Lộc

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose