Văn hóa Huế | Homepage

Giữ rừng cho phố

🕔04.Oct 2021

Nếu như hệ thống cây xanh được xem là lá phổi xanh cho đô thị Huế, thì những cánh rừng thông nằm giữa lòng đô thị ấy chẳng khác gì “trái tim” của lá phổi xanh. Không phải đô thị nào cũng được trời đất ban phát đặc ân được những khoảnh rừng ở những địa thế đẹp như Huế.

Từ đỉnh núi Ngự Bình nhìn về một góc đô thị mới của Huế, vắt ngang đó là cánh rừng thông xanh tuyệt đẹp của ngọn núi Tam Thai

Và nếu không biết giữ “trái tim” ấy, rồi đây khi từng cây thông bị hỏa hoạn đốt cháy, chặt phá, lấn chiếm dẫn đến “hấp hối, tắt thở”, chính con người sẽ hối tiếc bởi những tàn phá, đánh đổi.

Từ đỉnh Ngự Bình, ngọn núi thiêng giữa lòng TP. Huế nhìn về nhiều phía bao quanh, có rất nhiều cánh rừng thông phủ xanh, tạo nên không gian vô cùng đặc biệt, như chiếc điều hòa tự nhiên làm không khí trở nên dịu mát, thư thái. Phải mất rất nhiều thời gian đi đi về về, giữa các ngọn núi trong lòng phố và đứng ở nhiều góc nhìn khác nhau, chúng tôi mới nhận ra rằng còn quá nhiều mảng xanh giá trị, bao phủ được phân phối quanh đô thị di sản. Từ những ngọn núi nhìn về phố, và ngược lại, từ những toà nhà cao tầng hướng mắt về những ngọn núi mới thấy rằng, không phải vùng đất nào cũng may mắn, hạnh phúc có được những ngọn núi, những mảng rừng thông xanh có tuổi đời hàng chục năm.

Tôi từng giới thiệu với nhiều người bạn phương xa đến Huế về hệ thống cây xanh đô thị. Tự hào đến những cánh rừng thông xanh được vun vén, bảo tồn ở những ngọn núi, vùng đồi tuyệt đẹp của xứ sở mình đang sống. Nhiều người nghe vậy trầm trồ và bảo rằng: “Các bạn ở đây thật sung sướng và hạnh phúc. Bởi không phải vùng đất nào cũng có hệ thống cây xanh, hệ thống rừng thông không chỉ đẹp mà còn sang trọng như thế!”.

Những năm sau này, khi vùng lõi của đô thị Huế bắt đầu nóng, nhiều khu nhà cao tầng mọc lên, khí hậu thay đổi, có phần ngột ngạt… cũng là lúc người ta có xu hướng tìm về các vùng ngoại ô, kề cận núi rừng để hít thở, tìm sự yên bình. Chừng đó thôi mới thấy rừng quý giá ra sao, quý hơn nữa khi đó là những cánh rừng thông nằm ngay giữa phố thị, giữa cơn bão đô thị hóa.

Cũng từ câu chuyện đó, phải nhìn nhận lại vấn đề ứng xử ra sao với đô thị mà lâu nay chúng ta từng tự hào “đô thị di sản”, đô thị cây xanh “rừng trong phố, phố trong rừng” để vừa đảm bảo mục đích phát triển, vừa giữ được hồn phách của đô thị cổ kính, vừa bảo vệ hệ thống cây xanh nói chung và những cánh rừng thông quý giá nói riêng.

Sau nhiều vụ cháy rừng, chúng tôi tìm lên Ngự Bình. Ngọn núi được xem là bình phong của Kinh thành Huế – nơi mà xa xưa, tiền nhân phải mất nhiều giờ mới tới được, thì giờ đây khi sức ép của đô thị mở rộng, dân cư đông đúc, ngọn núi ấy đã nằm ngay giữa trung tâm của phố thị. Dù được xem là ngọn núi thiêng, di sản và sự tự hào “núi Ngự, sông Hương” nhưng không biết bao nhiêu lần cánh rừng này bị hỏa hoạn thiêu cháy, quanh đó, rất nhiều lăng mộ lấn chiếm dần lên hướng đỉnh núi. Nhiều mảng thông cháy rụi chưa kịp trồng lại hoặc chưa kịp cho tán thì nay những mảng khác lại bị lửa “ghé thăm”.

Không biết bao nhiêu lần tham dự các sự kiện liên quan đến bảo tồn rừng, bảo vệ mảng xanh đô thị, cũng là chừng ấy lần tôi được “thấm nhuần” vai trò quan trọng, sự sống còn của rừng. Rừng không chỉ có giá trị cao về sinh thái, đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên, tạo không khí môi trường trong lành cho vùng lân cận… mà rừng còn là một phần hình hài, là văn hoá của kiến trúc đô thị, đặc biệt là đô thị như Huế.

Hãy thử một lần đặt chân lên đỉnh núi, hay đồi ở đô thị Huế, bạn sẽ cảm nhận được điều đó rất rõ ràng. Khi lọt vào mảng xanh đó, bạn như thoát ra khỏi sự bức bí, ngột ngạt để tận hưởng được cái khí trời, gió lộng vô giá mà không phải có tiền là mua được. Vì thế, vấn đề bảo vệ những ngọn núi, đồi có hệ thống rừng thông hàng chục năm tuổi được xem như là vô giá ấy rất cấp bách, nếu không muốn hối hận khi nó bị thu hẹp, thiêu rụi theo thời gian. Tất nhiên, đó là việc của chính quyền, của những người có vai trò liên quan với những quyết sách mang tính kịp thời lẫn dài hơi.

Chung quy lại, đô thị dù hiện đại văn minh, đẳng cấp tới cỡ nào thì yếu tố đầu tiên đó là cách thể hiện, ứng xử của con người với rừng và thiên nhiên. Do vậy, mảng xanh đô thị Huế nói chung, rừng đồi thông Huế nói riêng và kiến trúc không thể tách rời lẫn nhau.

Những năm qua, Huế đã làm rất tốt khi phát huy được giá trị của cây xanh đô thị và được cả nước hướng về với sự khen ngợi chân thành, ngưỡng mộ. Hệ thống cây xanh trên đường phố và đặc biệt là hệ thống cây xanh dọc theo hai bờ sông Hương đã được tôn tạo, làm cho đô thị Huế trở nên sang trọng, hài hoà mà không phải nơi nào cũng có, chứ đừng nói đến chuyện giữ và tô điểm như thế.

Một khi sông Hương đã được kiến tạo và được quy hoạch bài bản với tầm nhìn xa, cũng là lúc đã nghĩ đến việc bảo tồn giá trị núi Ngự Bình – một thành tố quan trọng trong cặp “sông Hương – núi Ngự” không thể tách rời lẫn nhau trong yếu tố phong thủy của Kinh thành Huế. Ngọn núi với địa thế quan trọng này năm nào cũng cháy, bao quanh đó là sự lấn chiếm của lăng mộ. Vì thế đề án di dời lăng mộ quanh đó và bảo tồn, tạo nên không gian văn hóa cho ngọn núi thiêng này từng được chính quyền lên phương án cần được đẩy nhanh trước khi bị phá vỡ cảnh quan một cách nghiêm trọng. Ngay từ thời điểm này, việc khoanh vùng ở dưới chân đồi rất cấp thiết, trong khi đó tiến hành trồng và chăm sóc rừng thông thay thế cho diện tích bị hỏa hoạn thiêu rụi trước đó.

Từ ngọn núi này, sẽ thấy rất rõ những ngọn núi, đồi vô cùng tuyệt đẹp với hệ thống rừng thông được trồng từ hàng chục năm về trước như Tam Thai, Thiên An, Vọng Cảnh, Dương Xuân… Những mảng xanh ở đó ít nhiều như cánh tay của người mẹ hiền bao bọc, chở che đô thị Huế trước sự thay đổi, khắc nghiệt của môi trường khí hậu. Và nếu không biết giữ, hoặc đánh đổi rồi chẳng biết sẽ có chuyện gì xảy ra với hiện tại cũng như thế hệ tương lai.

Xin đừng lăm le lấn chiếm, khoét thêm trên cơ thể những ngọn núi, đồi đã chở che, bao bọc cho đô thị Huế vốn có từ ngàn xưa.

Phan Thành
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế

Là đô thị di dản, "Thành phố xanh quốc gia", cố đô Huế có hệ

Gánh bún tinh mơ

Gánh bún tinh mơ

5g sáng, nhiều người vừa tạt xe vào lề đường với niềm háo hức sẽ

Huế và hoàng mai

Huế và hoàng mai

Ký ức một thời lại về trong mỗi người, mỗi gia đình khi sắc màu

Đặc sản của Huế

Đặc sản của Huế

Nếu nói đến đặc sản Huế chắc nhiều người nghĩ ngay đến ẩm thực, tức

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Huế

Ngay từ những ngày đầu tìm đất lập làng, người Việt nói chung, người Việt

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose