Văn hóa Huế | Homepage

Bầy sẻ ở sân chùa

🕔20.Dec 2019

Hồi nhỏ, bà nội hay dắt tôi đi chùa. Trong tâm trí của đứa trẻ lên ba, chùa là nơi có nhiều tượng Phật và lân sư rồng rất đẹp. Cái đẹp ấy ban đầu là một màu sắc hấp dẫn đến lạ kỳ, thu hút đứa trẻ. Từ miền màu sắc đó, bà nội dẫn tôi tới một miền khác, ở đó là những lời dạy của bà nội và các sư thầy; ở đó có hai nẻo thiện ác rõ rệt; ở đó cái giá cho sự lành dữ cũng rất phân minh.

Hình ảnh đọng lại trong ký ức là những chiều đàn sẻ đáp xuống sân chùa. Sư cụ đi quanh xóm, xin những món cơm thừa về trải ra trên một cái mâm to, đặt ở giữa sân. Bầy sẻ réo nhau đáp xuống vừa ăn vừa “kể chuyện”. Sư thầy nói, bầy sẻ kể về những điều chúng trông thấy, chúng lắng nghe. Có lúc tôi tưởng tượng, trong những câu chuyện chiều nay của bầy sẻ, ắt có chuyện về những cánh chim sáng này bị sập bẫy điện, không về… Bà nội nói, những điều mình làm thiện sẽ được chúng đem đi khắp nơi, và những điều mình làm ác thì cũng vậy.

Xa đi một khoảng dài, có một lần, đầu mùa thu, ở cuối con đường ngã ba trước cổng chùa, tôi ngã xe nằm dài trên mặt nhựa. Điều đầu tiên tôi nhìn và nhớ ra được là bầy sẻ. Bầy sẻ không ngại đậu lại kề tôi, réo lên những tiếng kêu dồn khác với những buổi chiều lượm cơm tôi để trên sân. Hình như có một điều gì đó khiến những con sẻ nâu không còn ngần ngại trước dòng xe trôi qua. Người ta nói, mình mến vật thì vật cũng mến mình. “Vạn vật hữu linh”, những con sẻ nâu bé nhỏ cũng có linh hồn và thiện tính.

Những ngày bó bột chân nằm một mình ở căn phòng trên gác gỗ, bầy sẻ đã đến bầu bạn với tôi. Chúng lại ríu rít ngoài ô cửa. Tôi lại nhớ lời sư thầy, hình dung đó là những câu chuyện mà trên đường bay chúng đã thấy đã nghe, rồi mang đến kể lại cho mình. Không gì hạnh phúc hơn là được người khác mở lòng kể chuyện cho mình nghe, và hơn thế nữa là có người ngồi chăm chú nghe mình nói.

Rồi một ngày, bầy sẻ tự dưng không đến nữa. Rồi sau đó rất lâu chúng vẫn không về. Khi chân tôi lành hẳn, đi khắp xóm tìm thì mới hay bầy sẻ đã bị một số kẻ đặt bẫy và bắt hết. Họ đã thu thanh tiếng những con sẻ gọi nhau khi thấy thức ăn, và rồi phát lại thứ âm thanh này để dẫn dụ bầy chim tìm đến. Những con chim sà xuống nơi đồng loại gọi nhau và dính vào bẫy keo. Những con chim dính bẫy cất lên tiếng kêu thảm thiết nhưng có lẽ đã không át được tiếng gọi bầy phát ra từ  những chiếc máy ghi âm đó. Ngẫm nghĩ, trong cuộc sống có khi cũng gặp phải những hoàn cảnh giống như số phận những con chim ấy, lời ngọt ngào đôi khi cũng là những chiếc bẫy vô hình mà vô cùng lợi hại.

Tôi vào đại học và rồi ra trường đi làm, bầy sẻ năm xưa không còn về nữa. Mỗi lần đi xe ngang những ngôi chùa có bóng nắng, như chợt nghe văng vẳng bên tai tiếng của những con sẻ năm nào. Chúng sà xuống sân chùa lượm những tiếng mõ hồi  chuông và lời kinh kệ rồi bay lên thật cao, rải ra thành những điều thiện, mỹ.

Bà nội đã nhiều năm không còn nhớ bầy sẻ năm nào. Bà cũng không còn nhớ tôi và không còn nhớ những tiếng “A Di Đà Phật”. Bà lim dim trong một cơn lẫn lộn của trí óc tuổi già. Nhưng bên ô cửa của nội vẫn không vắng tiếng những con sẻ nâu. Sư thầy nói, bầy sẻ đi và bầy sẻ lại về. Lúc đó tôi thấy lòng mình dậy lên những cảm xúc năm nào, xa lắm mà quen lắm.

Vạn vật hữu linh
Quay vòng và trở lại
Tiếng chuông vang đi mà tiếng chuông ở lại
Bầy sẻ chết đi mà bầy sẻ sống hoài…

Lê Nguyên Trạng
(Theo Saigon Times)

 

Similar Articles

Khúc serenata sông Hương

Khúc serenata sông Hương

Chiều chiều, tôi hay thơ thẩn ra sông. Qua hai ngã tư đến công viên

Ủ Tết (Thì thầm lá hoa)

Vườn bà tôi ngày trước đầy hoa trái, bốn mùa xanh rợp lá cây, hầu

Nhớ những chuyến xe lam

Nhớ những chuyến xe lam

Hôm qua chú em họ đăng Facebook về những chiếc xe lam - một thời

Trong bóng dáng mệ quê

Trong bóng dáng mệ quê

Những ngày này Huế mưa, nhớ mạ thiệt nhiều, mà đi chợ càng nhớ hơn,

Mưa Huế, lụt Huế

Mưa Huế, lụt Huế

Những ngày xa nhà làm quen với đời sinh viên ký túc xá, mưa Huế

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose