Văn hóa Huế | Homepage
Từ căn nhà có giàn bông giấy đỏ

Từ căn nhà có giàn bông giấy đỏ

🕔20.Jun 2014

Căn nhà 22 Trương Định (Huế), có giàn bông giấy đỏ thắm đã cuốn hút tôi cùng bạn bè. Mỗi đứa một hoàn cảnh, một cuộc sống khác nhau, đã tìm nhau dưới giàn hoa đỏ, xúc động với những bài ca đấu tranh bên ngọn đuốc bập bùng của những đêm không ngủ, những ngày “Hát cho đồng bào tôi nghe”. Chính tại nơi này, lần đầu tiên trong đời, tôi học làm báo viết, học làm báo phát thanh.

Tôi lên Huế vào học Trường nữ trung học Đồng Khánh năm lớp 10. Bỡ ngỡ giữa ngôi trường lớn – ngôi trường với tường vôi tím – hồng cổ kính nên thơ, có những người bạn mới, rồi rất chóng kết thân và khăng khít với nhau đến tận bây giờ. Cái lạ lẫm trong một thành phố đang sục sôi, sẵn sàng đứng lên làm những cơn bão lớn không ngăn nổi tôi tìm đến những điều mới lạ, muốn đi về phía mặt trời. Đó là năm 1969. Phong trào Huế sau một thời gian bị trấn áp khốc liệt, đầu năm 1970 đang đi vào giai đoạn củng cố, bổ sung, xây dựng lực lượng. Các trường trung học, các phân khoa đại học đều chuẩn bị nhân sự cho một cuộc đấu tranh mới. Mặt khác, với sự liên kết tích cực của phong trào đô thị Sài Gòn, các tổ chức quần chúng cũng chuẩn bị điều kiện xuất hiện công khai ở Huế.

Nhân dân đón nghe chương trình phát thanh ở Đại học văn khoa Huế 1971
Những năm tháng tuổi thơ, sống ở vùng ven, tận mắt chứng kiến nỗi khổ của chiến tranh với muôn vàn tội ác mà giặc đã gây ra qua các chiến dịch càn quét cực kỳ dã man. Cuộc sống lầm than khốn khổ, tang tóc của đồng bào bị dồn ép trong các ấp chiến lược, tôi dễ dàng bắt nhịp với không khí rực lửa của thành phố Huế những năm 1970, năm tôi học lớp 11C2 Đồng Khánh. Căn nhà 22 Trương Định, có giàn bông giấy đỏ thắm đã cuốn hút tôi cùng bạn bè. Mỗi đứa một hoàn cảnh, một cuộc sống khác nhau, đã tìm nhau dưới giàn hoa đỏ, xúc động với những bài ca đấu tranh bên ngọn đuốc bập bùng của những đêm không ngủ, những ngày “Hát cho đồng bào tôi nghe”. Chính tại nơi này, lần đầu tiên trong đời, tôi học làm báo viết, học làm báo phát thanh.
Không ai dạy, không trường lớp
Làm báo ở đây là làm báo phong trào. Báo của những người đấu tranh chống Mỹ ở đô thị miền Nam. Dĩ nhiên đó là những tờ báo “ngoài luồng”, phần lớn là những tờ báo phát hành lúc công khai, lúc bí mật, nghĩa là không xuất bản hợp pháp. Người viết báo đều là những cây bút nghiệp dư. Những cây bút học trò, những người dân lao động và cả cô thầy của họ, viết báo vì khát vọng hòa bình, thống nhất đất nước. Ra một số báo, xuất hiện một chương trình phát thanh là công khai một hình thức đấu tranh có hiệu quả, có sức thu hút người dân. Bây giờ đã gần bốn mươi năm trôi qua, trải bao gian khổ, vẫn tiếp tục nghề viết. Điều kiện, phương tiện đầy đủ hơn, hiện đại hơn, yên ổn hơn vẫn không sao quên được cái buổi ban đầu tập làm báo ấy. Nhớ những đêm không ngủ cùng bè bạn, lóc cóc bên chiếc máy đánh chữ cọc cạch, chiếc máy ronéo quay tay thủ công cho kịp ra tờ tin, tờ báo, rồi những bài viết nóng hổi lửa đường phố cho những buổi phát thanh sôi sục của ngày hôm sau. Cực, đầy những hiểm nguy mà ấm tình đồng bào, đồng chí. Những tờ báo chưa ráo mực đã vội vàng phân phối, những buổi phát thanh hừng hực lửa, người người chen kín dưới mưa đợi nghe truyền tin.
Những năm 1970, 1971, từ căn nhà nhỏ, trụ sở của Tổng hội Sinh viên (THSV) Huế, Tổng đoàn Học sinh (TĐHS) Huế và nhiều tổ chức quần chúng đấu tranh khác, hàng loạt tờ báo đã ra đời. Đó là: “Tiếng gọi Việt Nam”, “Tiếng gọi Sinh viên”, “Tiếng gọi Học sinh”, “Nối tay”, “Đất nước ta”, “Động mạch”, “Tự quyết”, “Phụ nữ Huế”, “Mặt trận Văn hóa dân tộc miền Trung”, “Mặt trận hòa bình”,… Chưa kể nhiều tài liệu, tờ rơi khác mang hình thức báo tán phát. Tất cả đều phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của phong trào đô thị trong lòng cuộc kháng chiến chống Mỹ. Báo chí tranh đấu thời kỳ này có thể nói là mạnh mẽ cả về số lượng lẫn nội dung, tiến công mặt đối mặt với kẻ thù. Những nhà báo nghiệp dư chủ trì khối báo chí hồi ấy đều là những sinh viên tuổi còn rất trẻ và nhiều anh khác là nhà thơ, nhà văn như: Võ Quê, Bửu Chỉ, Thái Ngọc San, Trần Phá Nhạc, Nguyễn Hoàng Thọ, Nguyễn Duy Hiền, Lê Gành, Lê Nhược Thủy… rồi cả anh Huỳnh Quốc Ân- một tay quay ronéo “chuyên nghiệp”. Chúng tôi bấy giờ, gồm Hoàng Thị Thọ, Trần Kiêm Trinh Tiên, Nguyễn Thị An Tâm… đã học ở các anh để bắt đầu những bài viết đầu tay của mình. Tuyên ngôn, tuyên cáo, truyền đơn, khẩu hiệu, thơ ca, truyện ngắn, xã luận, tranh biếm họa, tin tức, bình luận, ghi nhanh, phóng sự… không ai dạy, không trường lớp, cứ thế được các “nhà báo nghiệp dư” SVHS viết sắc sảo, viết khẩn trương có khi viết ngay trên stencil, có lúc không kịp viết mà đọc trực tiếp trên loa phát thanh.
Gian khổ hiểm nguy nhưng hạnh phúc
Nội san “Truyền thống”, tờ báo của nhóm nữ SVHS LêKiMa, một tổ chức công khai biến tướng của Đoàn nữ SVHS Võ Thị Sáu được hình thành trong giai đoạn ấy, tờ báo với lời tuyên ngôn “Tay truyền thống vắt tim dựng nước / Lời ca dao ai giết được bằng gươm?”. Trên tập san là dòng chữ đầy hào khí và xúc động “Ở đâu cũng cách mạng, ngay trong tim kẻ thù”. Chúng tôi, Thọ, Trinh Tiên và An Tâm… trực tiếp thực hiện tập san này. Tờ báo chuẩn bị các khâu công việc có khi ngay trong nhà Trinh Tiên, cạnh Tổng hội Sinh viên, quay ronéo ở nhiều nơi, đóng xén có lúc ở ngay Viện Bài Lao, Bệnh viện Trung ương Huế- nơi bác sĩ Phạm Thị Xuân Quế, một thủ lĩnh phong trào phụ nữ Huế làm Viện trưởng, và sau đó Lê Thị Nhân, Phan Lệ Dung, Hồ Thị Bông Bông, Ngô Võ Hồng Trân… nhanh tay chuyển đến các trường học. Tờ Tiếng gọi Học sinh, cơ quan của Tổng đoàn Học sinh Huế thì ra đời trong trụ sở 22 Trương Định, có khi được thực hiện ngay trong phòng bệnh của anh Võ Quê. Bìa là tranh bút sắt của sinh viên luật khoa – hoạ sĩ Bửu Chỉ. Các anh sinh viên tranh đấu ở các phân khoa đại học đã viết cả báo học sinh để hỗ trợ cho lực lượng Tổng Đoàn. Cũng từ trong không khí sục sôi của đường phố, chúng tôi còn làm “báo nói” trên đường phố, trong nhà trường, trong chợ Đông Ba, nhưng đáng nhớ nhất là những buổi phát thanh: “Tiếng nói của lực lượng Sinh viên Học sinh Huế- Những người trẻ tuổi yêu nước”- một cơ quan ngôn luận công khai của năm 1971, được phát ra ở trụ sở Tổng hội Sinh viên 22 Trương Định, và phần lớn là ở lầu 2 Đại học Văn khoa, nay là tầng lầu trên của nhà hàng 1 đô – la Khách sạn Sàigòn Morin. Các chương trình phát thanh ở đây được báo chí Sài Gòn bấy giờ đưa tin là “Tổng hội Sinh viên Huế mở Đài Giải phóng cho đồng bào nghe”. Anh Trần Phá Nhạc và tôi, nói giọng Nam và Bắc như Đài Hà Nội và Đài Phát thanh Giải phóng- đọc sang sảng trong mỗi buổi chiều, đã trở thành tiếng nói thân thiết với người dân Huế đang ngày đêm căm thù giặc, háo hức chờ phút đổi đời. Cuộc biểu tình và “báo nói” tại sân Trường Đồng Khánh ngày 12-4-1972 là một sự kiện không thể nào quên. SVHS Huế tuyên cáo chống bạo quyền trước hàng chục họng súng M16 của cảnh sát dã chiến. Dẫn đầu là các anh Bửu Chỉ, Lê Văn Thuyên, Nguyễn Duy Hiền, Nguyễn Hoàng Thọ, Trần Đình Sơn Cước. Với chiếc loa tay bằng nhôm, anh Bửu Chỉ đã dũng cảm tố cáo tội ác trước hàng trăm đồng bào lánh bom đạn tại đây đang bị cưỡng bức ra khỏi khu tạm cư do SVHS đảm trách. Và tất nhiên cuộc đấu tranh ấy đã bị đàn áp đẫm máu, 5 sinh viên ấy đã bị hành hung thô bạo và bắt giam trong sự phản đối quyết liệt của đồng bào và SVHS Huế.
Những tờ báo, những chương trình phát thanh đấu tranh quả cảm của phong trào đô thị miền Nam đã ra đời, đã sống chết cùng cuộc đấu tranh hào hùng của nhân dân Huế như vậy đó.
Sau cuộc càn quét của chiến dịch Bình Minh năm 1972, anh em chúng tôi xa nhau, kẻ lên chiến khu, người bị đày đi các nhà tù Côn Đảo, Chí Hòa, Thừa Phủ, Đà Nẵng… Những bài học làm báo đầu đời ấy đã giúp chúng tôi làm “báo nói” trong ngục tù Côn Đảo, gây cho kẻ thù nhiều phen bất an và chúng tôi đã bị đàn áp đẫm máu, siết chặt chế độ giam cầm… Những bài thơ xúc động và đầy tính thời sự của các anh Võ Quê, anh Lê Quang Vịnh… từ ngục tối Côn Đảo được gửi về đất liền, lại đăng báo phong trào, cổ vũ cuộc đấu tranh. Ra tù, chúng tôi lại tìm cách đi học để có điều kiện họat động. Và một trong những việc chính lúc này vẫn là làm báo. Tờ “Áo trắng” của nữ sinh tranh đấu Huế ra đời. Báo in khổ nhỏ trên giấy trắng, quay ronéo. “Tòa soạn” của báo là căn nhà trọ tôi thuê của Soeur Tính trong khuôn viên đền Mân Côi trên đường Hàm Nghi. Đêm đêm tôi cùng các đồng đội Võ Phước, Nguyễn Thanh Văn, Văn Thiên Tụng, Phan Lệ Dung… miệt mài với những bài báo. Có khi máy chữ hư phải chép tay. Những nét chữ tròn, nắn nót đòi Mỹ rút hết quân, đòi thi hành Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Đêm đêm, lắm lần thót tim vì tiếng chó sủa, cảnh sát lục soát chăng? Không, sợ gì, chúng tôi đã cất giấu báo và dụng cụ làm báo thật cẩn thận trong những bao cát, đặt ở nơi không ai ngờ đến. Báo lúc này không chỉ phát hành ở Huế mà còn được chuyển về một số huyện trong tỉnh.
Làm báo phong trào đô thị Huế tuy gian khổ, cực kỳ nguy hiểm nhưng thật hạnh phúc và lắm kỷ niệm để đời. Sau này, dẫu đã được đào tạo nghề báo chính quy, dẫu đã trở thành những nhà báo chuyên nghiệp, anh em chúng tôi, Võ Quê, Thái Ngọc San, Lê Văn Ngăn, Lê Gành, Trần Phá Nhạc… vẫn không quên được những năm tháng làm báo phong trào, làm phát thanh phong trào đầy hồi ức đẹp đẽ của tuổi thanh xuân, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, oanh liệt giữa lòng đô thị miền Nam.
Hoàng Thị Thọ

Similar Articles

Ủ Tết (Thì thầm lá hoa)

Vườn bà tôi ngày trước đầy hoa trái, bốn mùa xanh rợp lá cây, hầu

Nhớ những chuyến xe lam

Nhớ những chuyến xe lam

Hôm qua chú em họ đăng Facebook về những chiếc xe lam - một thời

Trong bóng dáng mệ quê

Trong bóng dáng mệ quê

Những ngày này Huế mưa, nhớ mạ thiệt nhiều, mà đi chợ càng nhớ hơn,

Lụt Huế

Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Tôi từng là đứa con nít mê chuyện cổ tích và trò chơi bán đồ

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose