Mùa mưa bắt đầu là lúc Huế nhỏ bé đưa tấm lưng gầy mảnh mai ra hứng chịu những cuồng phong từ Biển Đông đổ vào. Và cơn bão đi qua, ngoài việc gây thiệt hại cho người và của lại còn  trút xuống những cơn mưa phũ phàng. Nguồn sông Bồ, nguồn sông Hương trong phút chốc đã cuồn cuộn nước. Dù điều kiện và chất lượng cuộc sống ngày nay đã khá lên, nhưng không có nghĩa là được an toàn tuyệt đối. Vẫn có những đêm mưa bão, dân Huế thức trắng với lời nguyện cầu bình yên. Đèn nhà ảo trên mạng xã hội sáng lên suốt đêm là lúc các chủ nhân thể hiện tấm lòng chân thật nhất, kêu gọi giúp đỡ, sẻ chia chút lòng ấm áp trong thiên tai, hoạn nạn. Rồi lại phải ngâm chân trong nước bạc để kịp quét rửa lớp bùn non dày đặc sau lụt…

Một trong những hình ảnh gây ấn tượng nhất với người Huế vào mùa lụt là Đập Đá. Nhìn nước sông tràn qua đập và rào chắn lưu thông được ngăn lại là biết lụt đã lên. Chúng tôi ngày ấy cũng như học sinh bây giờ, tuy chưa biết nguy cơ và hậu quả lụt lội thể nào, cứ thấy Đập Đá tràn là vui mừng được nghỉ học. Bọn trẻ thường đi dọc những con đường ven sông đào hoặc hồ ao xem người ta rớ cá. Những thùng, và cả những thau nhựa, đầy ắp cá lấp lánh vảy bạc, thường là cá cấn, cá mại, cá lúi, cá rô… mà người ta gọi bằng cái tên chung là cá lụt. Bữa cơm những ngày mưa gió ấy thường có món cá lụt kho với nhiều ném tươi và đủ cả ớt bột, ớt trái, thêm dĩa dưa được muối vội từ thân chuối đổ sau trận bão chấm với nước ruốc kho mỡ. Vừa xuýt xoa cay vừa nghe mưa trên mái nhà, tuổi thơ chúng tôi lớn lên theo từng mùa lụt Huế là vậy, đâu biết đến nỗi khổ dọn lụt của người lớn. Những cơn mưa dài nối nhau đi qua cho đến gần hết tháng Mười âm lịch, người Huế mới trút hết nỗi lo bão lụt.

Huế chừ mưa gió ra răng? Sắp kỵ ba rồi, lạy trời đừng bão lụt! Cậu em trai vẫn hay nhắn tin cho tôi như vậy trước khi chuẩn bị chuyến về Huế làm đám giỗ ba tôi hàng năm, nhằm 23 tháng Mười âm lịch, là mốc thời gian dễ nhớ đối với gia đình tôi nói riêng và người Huế nói chung qua câu ca quen thuộc trong dân gian:

Ông tha mà Bà chẳng tha/ Làm cho cái lụt hăm ba tháng Mười

Vào dịp này không to thì nhỏ, thể nào cũng gặp một vài cơn mưa lụt. Thật ra cũng có năm cả Ông và Bà đều đồng thuận tha cho, như năm Đinh Tỵ (1977) mà gia đình tôi không bao giờ quên, có mưa lạnh nhưng chỉ mấy hôm là nắng ráo. Và tuy cảnh nhà chúng tôi lúc đó khó khăn nhiều bề, nhưng nhờ trời tha cho cái lụt mà việc hậu sự của ba tôi cũng tiến hành thuận lợi.

Câu ca trên còn khiến cho nhiều người liên tưởng đến cái nết “giơ cao chém khẽ” rất dễ thương của phần đông phụ nữ Huế. Bởi tuy Bà không tha, nhưng sau vài ngày mưa, nếu có lụt thì cũng chỉ thấy nước lên lúp xúp ở những vùng thấp. Và sau cơn lụt nhỏ này, dân tình mới yên tâm bước vào những công việc và sinh hoạt cuối năm. Người làm đồng bắt tay gieo cấy trên mảnh đất được bồi tặng lớp phù sa màu mỡ sau lụt, khởi đầu cho vụ hoa tết, rau màu và vụ lúa đông xuân. Phố chợ xôn xao các mặt hàng phục vụ cho cái tết sau một năm ngược xuôi vất vả làm ăn.

Cứ vậy, người Huế từ bao đời nay vẫn thích nghi với mưa Huế và lụt Huế. Thích nghi không hẳn vì cam chịu, mà ít nhiều bởi những yêu thương gắn bó với mảnh đất nghèo lắm nắng nhiều mưa. Phải có những ngày oằn mình trong mưa lụt rét mướt như thế mới thấy lòng đủ vui để thắp lên ngọn lửa chờ đợi và hy vọng về một mặt trời ấm áp đang thấp thoáng vẫy gọi từ phía trước, cho những hồi sinh và bắt đầu…

Nguyễn Thị Duyên Sanh
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)