Văn hóa Huế | Homepage

Chuyện về đao phủ khét tiếng dưới thời triều Nguyễn

🕔23.May 2015

Dưới thời triều Nguyễn, cụ Ngáo là một đao phủ nhà nghề nổi tiếng. Bên cạnh cụ thường có một đám “đệ tử” giúp những việc như mài dao thật sắc, đặt giỏ để hứng đầu phạm nhân, vén cổ áo phạm nhân…
Trong một lần tìm về thăm địa danh Cống Chém ở phường An Hòa, TP Huế (Thừa Thiên – Huế) – nơi xử hình phạm nhân của triều đình nhà Nguyễn và chính quyền thực dân nửa phong kiến ngày xưa -, bên cạnh những câu chuyện về các vị anh hùng đã bị xử chém tại đây, tôi còn được nghe các vị bô lão trong làng kể về một đao phủ khét tiếng bấy giờ là cụ Ngáo.

Cụ Ngáo từng xuất hiện trong bài thơ “Hỏi cụ Ngáo” của nhà thơ Tố Hữu:

Nghe nói ngày xưa lão chặt đầu,

Đầu xanh, đầu bạc tội gì đâu?

Sao không chặt hết đầu bao đứa,

Mũ mão rồng nay, áo phượng chầu?

Nay lão vác tròng đi thịt chó,

Chó vàng, chó mực tội gì đâu?

Sao không chặt hết bao con đó,

Lém gót giày Tây, béo mượt đâu?

Không ai biết tên đầy đủ của cụ Ngáo là gì, chỉ biết rằng đó là một người đàn ông sống một mình, không người thân, không bà con ở Thượng Thành gần An Hòa, chuyên hành nghề đao phủ. Cụ Ngáo được coi là “linh hồn” của pháp trường Cống Chém thời ấy.

Chuyện về đao phủ khét tiếng dưới thời triều Nguyễn - Ảnh 1

Cống Chém An Hòa bây giờ được đặt tên cho một cây cầu trên QL1A

Địa danh Cống Chém ngày nay được đặt tên cho một cây cầu trên QL1A. Bên cạnh khu vực này còn có cồn Mả Thí, nơi chôn cất những người bị xử chém không có thân nhân nhận về và một bụi tre lớn, tương truyền là nơi bêu đầu người bị chém để thị uy những người qua lại trên con đường cái quan xưa. Ngày xưa, những phạm nhân bị xử tử thường được mang ra đây và chết dưới tay những đao phủ máu lạnh như cụ Ngáo.

Chuyện về đao phủ khét tiếng dưới thời triều Nguyễn - Ảnh 2

Cồn Mả Thí, nơi chôn cất những người bị xử chém không có thân nhân tới nhận

Theo một bậc cao niên trong làng An Hòa, dưới triều Nguyễn, người phạm tội bị phạt bằng nhiều hình thức. Hình thức thấp nhất là “tội xuy”, nhẹ thì bị đánh bằng roi kèm những lời răn dạy để phạm nhân hối cải. Nặng hơn thì đánh bằng trượng (đùi lớn – PV). Mức “tội đồ” thì sau khi phạm nhân bị đánh sẽ bị bắt làm nô lệ từ 1 – 3 năm. Tiếp đến là “tội lưu”, tội này đáng ra phải bị xử tử nhưng xét các mặt khác nên cho đày đi xa suốt đời. Nặng nhất là tội xử tử với 5 bậc: “Trảm” là chém đầu, “giảo” là thắt cổ, “lăng trì” là xẻo dần từng miếng thịt, “cưu” tức chém rồi bêu đầu và “lục thi” là phanh thây banh xác.

Trường hợp phạm nhân phạm tội quá nặng, ngoài tội tử hình dành cho đương sự là vẫn chưa đủ. Gặp tội phản loạn, có thể bị xử “tru di cửu tộc”, tức giết chết tất cả những người thân trong gia đình cả bên cha, bên mẹ, bên vợ (chồng) của tử tù để trừ mầm mống báo thù trong tương lai.

Chuyện về đao phủ khét tiếng dưới thời triều Nguyễn - Ảnh 3

Đao phủ dưới thời triều Nguyễn

Hình phạt đưa ra thì phải có người thi hành. Khi có án xử trảm thì phải đích thân những đao phủ lành nghề thực thi. Cụ Ngáo là một đao phủ nhà nghề nổi tiếng hồi ấy. Bên cạnh cụ thường có một đám “đệ tử” giúp những việc như mài dao thật sắc, đặt giỏ để hứng đầu phạm nhân rơi xuống, vén cổ áo phạm nhân để lát chém không bị trở ngại khi rơi xuống…

Thu nhập của cụ Ngáo và đám đệ tử, ngoài tiền công triều đình chi trả, còn có thêm khoản hối lộ, đút lót từ người nhà của tử tù. Có tiền đút lót thì lát dao cụ chém rất ngọt, đôi khi cụ thương tình mà cho đầu của phạm nhân còn dính một lớp da để xác khỏi bị mất đầu. Không tiền đút lót thì phải chặt năm lần bảy lượt đầu phạm nhân mới rụng xuống. Có khi phải cứa đi cứa lại, đầu mới lìa khỏi cổ.

Cụ Ngáo nổi tiếng “chém khéo, chém ngọt”, mỗi lần có án tử từ trên hạ xuống, cụ thường lên chỗ Thượng Thành tập dượt chém chuối cho đỡ “đơ” tay. Người dân địa phương mỗi khi nghe tiếng lướt dao cụ tập trên Thượng Thành là biết sắp có người xử trảm ở Cống Chém An Hòa. Khi tập, cụ thường ca hát om sòm, trong bài hát đó bao giờ cũng có câu: “Sống không thù nhau, chết không oán nhau”.

Ngón nghề làm nên thương hiệu cụ Ngáo là ngón “chém treo ngành”, đó là lối chém làm sao cho đầu không rơi xuống đất mà còn dính một mảng da ở cổ. Chính cách chém này thường đem lại cho cụ nhiều bổng lộc từ người nhà nạn nhân. Bởi họ mong còn mảng da để có thể thuê thợ da may lại đầu vào cổ, tránh thân thể mất đầu và muốn thế họ thường lo lót cho cụ Ngáo ít tiền để cụ thi triển tuyệt kỹ này .

Thời ấy, tiếng của cụ Ngáo chém người vang danh khắp nơi ở Huế. Con nít ở Huế khi đang khóc mà nghe dọa tên cụ Ngáo thì im thin thít.

Cụ Ngáo chính là đao phủ chém đầu hai nhà cách mạng yêu nước Thái Phiên và Trần Cao Vân trong vụ khởi nghĩa hụt của vua Duy Tân vào ngày 15/7/1916.

Chuyện về đao phủ khét tiếng dưới thời triều Nguyễn - Ảnh 4

Trần Cao Vân, nhà yêu nước bị xử chém dưới lát dao của cụ Ngáo

Về già, cụ Ngáo làm nghề thịt chó. Cụ ít giao lưu với mọi người, sống lặng lẽ và khép kín. Có người nói, mỗi ngày cụ rời khỏi nhà khi sáng tinh mơ và trở về khi trời đã nhá nhem tối. Cụ làm gì, đi đâu cả ngày không ai biết. Chỉ biết rằng, mỗi lần cụ đi hay trở về là lũ chó ở đường Tôn Nhơn xưa (nơi cụ Ngáo sống) thường sủa inh ỏi. Có người chịu khó đi tìm hiểu, nói rằng cụ cả ngày đi bắt chó chạy rong ngoài đường, rồi đưa xuống bến Thương Bạc làm thịt sạch sẽ, trắng phau rồi treo lủng lẳng phía sau mang về vừa ăn, vừa bán. Cuối đời, cụ Ngáo trở nên điên loạn.

Nhiều nhà nghiên cứu đánh giá, cụ Ngáo là một người vừa đáng thương, vừa đáng sợ và vừa đáng khinh. Dù sao đi nữa, cụ cũng chỉ là công cụ của những kẻ gây nên các tội ác, những kẻ lạm dụng quyền lực, dưới danh nghĩa công lý để trừng phạt những oan tù.

Lê Kông (theo Người đưa tin)

Similar Articles

Nam Phương Hoàng Hậu – Câu chuyện một con tem

Nam Phương Hoàng Hậu – Câu chuyện một con tem

Nam Phương Hoàng Hậu Cách đây hơn nửa thế kỷ, đúng ra là vào khoảng những

Tả quân Lê Văn Duyệt

Tả quân Lê Văn Duyệt

Có nhiều danh tướng phò giúp Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi hoàng đế. Nhưng có

Những lần chết hụt của vua Gia Long

Những lần chết hụt của vua Gia Long

Câu chuyện 1 : Thoát chết ở đảo Cổ Long ( Kohrong ) - Lúc bấy

THANH KIẾM CỦA VUA GIA LONG

THANH KIẾM CỦA VUA GIA LONG

LỜI THƯA Dominique Rolland là giảng viên của Trường Đại học Ngôn ngữ và Văn minh

Những bí ẩn trong cung triều Nguyễn

Những bí ẩn trong cung triều Nguyễn

Những bí ẩn trong cung triều Nguyễn - Tập 1 Những bí ẩn trong cung triều

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose