Văn hóa Huế | Homepage

Thuyền mơ trong khúc Nam Ai, Nam Bình

🕔13.Mar 2017

Những tranh cãi về sự ra đời của Nam Ai, Nam Bình vẫn chưa ngã ngũ, song ảnh hưởng của Nam Ai, Nam Bình nói riêng, ca Huế nói chung đến nền tân nhạc Việt Nam là hết sức rõ ràng.

Nhạc sĩ Phạm Duy từng thổ lộ: “Âm nhạc Huế nói chung và ca Huế nói riêng có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời sáng tác của tôi”

Ảnh hưởng đến nhiều sáng tác nổi tiếng

Khoảng năm 1944, nhạc sĩ Phạm Duy đến Huế trong chuyến lưu diễn cùng gánh hát Đức Huy – Charlot Miều, ông đã nhiều lần được thưởng thức ca Huế trên sông Hương. Ông kể: “Được nằm trong khoang thuyền nghe ca Huế từ đêm cho đến sáng. Trước đây chỉ được nghe ca Huế qua đĩa Béka giờ được trực tiếp nghe tiếng đàn của Vĩnh Phan, giọng ca của Bích Liễu (vợ Vĩnh Phan), Minh Mẫn rót ngay vào tai mình những hò Mái nhì, Mái đẩy, những lý Tình Tang, những Nam Bình, Nam Ai trong khung cảnh nên thơ của sông Hương về đêm thật quá tuyệt vời!.

Nhạc sĩ Phạm Duy cũng từng thổ lộ: “Âm nhạc Huế nói chung và ca Huế nói riêng có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời sáng tác của tôi” (dẫn theo Phan Thuận Thảo, Tạp chí Sông Hương số 334, 12/2016). Quả thật, nhiều nhạc phẩm của Phạm Duy chịu ảnh hưởng rõ nét của ca Huế như Về miền Trung, Bà mẹ Gio Linh…, đặc biệt bài Nước non ngàn dặm ra đi trong trường ca Con đường cái quan có ảnh hưởng rõ nét bản Nam Bình của ca Huế.

Ca Huế trên sông Hương. Ảnh: VĐN

Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước cũng từng bị “ám ảnh” bởi các làn điệu Nam Bình, Nam Ai. Trong ca từ nhạc phẩm Đêm tàn bến Ngự, nhạc sĩ đề cập đến âm hưởng của Nam Bình: “Nhưng thoảng nghe khúc ca Nam Bình sầu than như nức nở khóc duyên bẽ bàng”. Cũng trong ca khúc này, nhạc sĩ nhắc đến khúc Nam Ai: “Thuyền mơ trong khúc “Nam Ai”. Đàn khuya trên sông ngân dài. Ai luyến ai tiếc khúc ca Tần Hoài…”. Có thể nhận ra rất rõ các bản Nam Ai, Nam Bình vang lên trong những khuya khoắt sông nước hữu tình đã làm rung động tâm hồn nhạc sĩ để từ đó, ca khúc Đêm tàn Bến Ngự bất hủ ra đời. Và, rất nhiều các ca khúc khác: Huế xưa, Mắt Huế xưa (Quốc Dũng, Đinh Trầm Ca), Vĩ Dạ đò trăng (Canh Thân), Thần kinh thương nhớ (Thế Minh), Thương về miền Trung (Châu Kỳ)… có giai điệu được thể hiện theo các đặc điểm của hơi ai.

Câu hỏi chưa có lời giải

Nam Ai, Nam Bình là hai trong số các bài bản chủ đạo của ca Huế, đến nay còn nhiều tranh cãi quanh nguồn gốc của chúng. Theo nhà báo Minh Khiêm, “Không có cơ sở nào để cho rằng, điệu Nam Bình như ta biết hiện nay có từ đầu thế kỷ 14. Đó là một sự ngộ nhận của một vài ý kiến, vì chỉ căn cứ vào nội dung của bài Nam Bình ‘Tình phân ly’ ”.

Vốn thuộc ca nhạc Huế, điệu Nam Bình bắt nguồn từ dòng âm nhạc bình dân và bác học, và cũng nằm trong quy luật là chịu sự giao thoa, thu nạp các nền âm nhạc khác. Ca nhạc Huế có từ lâu, nhưng các bài bản ca Huế phát triển từ nửa sau thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Có người cho rằng, điệu Nam Bình là điệu “Bình định phương Nam” có từ đời Lê Thánh Tông (nửa sau thế kỷ 15) khi triều đình phong kiến Việt Nam mở cõi về phương nam. Rất tiếc là ngày nay chúng ta không còn biết bài bản của điệu “Bình định phương Nam” ra sao. Nhưng phải chăng, điệu Nam Bình đã lấy âm hưởng của nhạc Chiêm Thành nói chung hay điệu Bình định phương Nam nào đó để phát triển và định hình, cho ta một bài bản ca Huế nổi tiếng? Điệu Nam Bình còn có các tên gọi mà ngày nay không ai còn gọi, đó là “Vọng Giang Nam” hay “Hạ Giang Nam”.

Gần đây, nghệ nhân ca Huế Minh Cầm cho biết, điệu Nam Bình còn có phần đầu nữa, tức là “Thủ Nam Bình”. Phần ta đang ca và tấu nhạc hiện nay là phần mình và đuôi Nam Bình. Rất mong có ngày có cả ba phần điệu Nam Bình trọn vẹn”. Bài Nam Bình nổi tiếng nhất là bài “Tình phân ly” gắn với sự kiện đám cưới Huyền Trân – Chế Mân, để rồi: “Nước non nghìn dặm ra đi/Cái tình chi!/Mượn màu son phấn/Đền nợ Ô – Ly”…

Theo nhà nghiên cứu Dương Phước Thu, tác giả của “Tình phân ly” là ông Võ Chuẩn, một người con Thừa Thiên Huế, quê Hương Thủy, từng giữ chức Tổng đốc Nghệ An. Tác giả sáng tác lời ca này vào khoảng những năm 30, 40 của thế kỷ 20.

Trong bài “Sự phong phú và đa dạng của ca nhạc Huế”, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ ca kịch Huế – Văn Lang nêu vấn đề ảnh hưởng của nhạc Chăm đối với Nam Ai và Nam Bình. Theo Văn Lang, năm 1202 Lý Cao Tông sai soạn khúc “Chiêm Thành âm” có âm điệu “buồn sâu sắc mà người nghe không thể cầm được nước mắt”, căn cứ vào đó ông cho rằng “bài Nam Ai có thể bắt nguồn từ khúc Chiêm Thành âm mà ra. Người nhạc sĩ trước đây đã dựa vào khúc Chiêm Thành âm để đặt ra bài Nam Ai, vì trong Nam Ai cũng có những âm cao và mang một nỗi buồn ai oán”. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu đã nghi ngờ phỏng đoán này.

Nhạc sĩ Trần Hữu Pháp khi giới thiệu về làn điệu Nam Ai trên “Huế Xưa & Nay, số 16-1996”, đã viết: “Riêng bài Nam Ai, có một số tài liệu cho rằng ra đời khoảng 1802… Có người nói là của Chiêm Thành. Theo Khâm Định Việt Sử, năm 1044, Lý Thái Tông đánh Chiêm Thành bắt được nàng My Ê, đến khi nàng đi đến sông Lý Nhân, Thái Tông đòi My Ê hát chầu. Nàng nói ta mất chồng biệt tích chỉ biết khóc mà thôi, rồi nàng cất lên tiếng ca não nề, thành một khúc ca bi ai gửi về phương Nam, cho nên nhiều giả thiết bài ca Nam Ai ra đời là như vậy. Tuy nhiên cũng có nhiều giả thiết khác, như ông Thái Văn Kiểm cho rằng, các làn điệu ca Huế ra đời từ 1691 – 1725. Thời này có những người sáng tác nhạc triều như Tề Quốc công; và chính chúa Nguyễn Phúc Chu đã sáng tác ra bài “An Giang Nam” tức là Nam Ai”…

Xem ra những tranh cãi về sự ra đời của Nam Ai, Nam Bình vẫn chưa ngã ngũ. Điều này còn chờ các nhà nghiên cứu tiếp tục truy tìm gốc tích. Dù chưa rõ gốc rễ thế nào, song ảnh hưởng của Nam Ai, Nam Bình nói riêng, ca Huế nói chung đến nền tân nhạc Việt Nam là hết sức rõ ràng. Một thống kê chưa đầy đủ (của Phan Thuận Thảo) cho thấy số lượng các ca khúc về Huế trong thế kỷ 20 đã lên đến trên 100 bài. Hiếm có nơi nào trên thế giới có được số lượng tác phẩm âm nhạc lớn như thế đề cập đến. Điều quan trọng hơn, chính ảnh hưởng của ca Huế – di sản văn hóa phi vật thể quốc gia – đã làm cho các ca khúc về Huế luôn có chỗ đứng lâu bền trong trái tim công chúng.

Hạ Nguyên
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế

Là đô thị di dản, "Thành phố xanh quốc gia", cố đô Huế có hệ

Gánh bún tinh mơ

Gánh bún tinh mơ

5g sáng, nhiều người vừa tạt xe vào lề đường với niềm háo hức sẽ

Huế và hoàng mai

Huế và hoàng mai

Ký ức một thời lại về trong mỗi người, mỗi gia đình khi sắc màu

Bay bổng với nghệ thuật calligraphy

Bay bổng với nghệ thuật calligraphy

Nhẹ nhàng và tỉ mỉ, Trần Thị Thanh Tuyền, cô gái đam mê Calligraphy (thư

Đặc sản của Huế

Đặc sản của Huế

Nếu nói đến đặc sản Huế chắc nhiều người nghĩ ngay đến ẩm thực, tức

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose