Văn hóa Huế | Homepage

Nghề làm lọng ở Huế

🕔12.Mar 2018
Nghệ nhân ưu tú Hoàng Ngọc Tuyên ở phường Phường Đúc – thành phố Huế với thâm niên 30 năm trong nghề làm lọng. Năm nay đã ở độ 74 tuổi, nhưng ông Tuyên vẫn miệt mài vót những thanh tre để giữ gìn và phát triển nghề làm lọng truyền thống.

Các công nhân thực hiện các công đoạn sơ chế
Ngày xưa, lọng thường dùng để rước nhằm tăng sự trang nghiêm, quý phái trong các nghi lễ của triều đình hay cúng tế dân gian. Từ đó hình ảnh lọng trở thành vật dùng trang trí trong các ngôi chùa, đình làng, nhà thờ họ hay cưới hỏi…
Để làm ra một chiếc lọng phải trải qua hàng chục công đoạn, đòi hỏi tính tỉ mỉ, kỳ công và kiên trì. Đầu tiên chuẩn bị cây tre đực dài khoảng 2m, phơi khô đánh bóng làm thân lọng. Rồi lấy gỗ mít tiện thành hình khối để làm gen; trên đầu gen xẻ các đường sâu để gắn những cây chống làm từ nan tre giúp lọng giương lên hay xếp lại dễ dàng.
Tiếp đến là công đoạn làm sườn, cũng giống như cây chống nhưng dài hơn, được uốn cong một đầu. Sau đó ráp các bộ phận lại với nhau tạo thành hình chiếc dù và phủ lên lọng một loại giấy dai bền hay vải the để làm áo, phết cật hoặc sơn chống thấm.
 Bước cuối cùng là trang trí các họa tiết rồng, phụng. “Nhìn vào màu sắc lọng, người ta có thể đoán được cấp bậc của người dùng lọng như lọng tía tượng trưng cho vua chúa, lọng xanh tượng trưng cho hàng khanh tướng….” ông Tuyên cho biết thêm.

Làm áo lọng và trang trí các họa tiết
Để phát triển quy mô sản xuất, ông Tuyên  tuyển thêm thợ về làm, vừa dạy cách làm nghề vừa giải quyết việc làm cho họ với mức lương từ 2,5 – 6 triệu đồng/tháng. Hiện, có 12  người thợ hành nghề  cùng phối hợp thực hiện các công đoạn sơ chế tre, cưa, uốn, khoan, chẻ, vót, phơi, sấy, vệ sinh, sơn… cho đến các khâu đòi hỏi sự khéo léo, tính nghệ thuật cao như lắp ghép, thắt, khâu, chạm trổ rồng phụng, tra cán.
Một người thợ là anh Nguyễn Ngọc An, 48 tuổi với thâm niên 10 năm trong nghề chia sẻ: “Công việc chủ yếu của tôi là điêu khắc rồng, phượng ở thân lọng, vì thân nhỏ nên lúc đầu làm rất khó sau rồi cũng quen dần. Đến với công việc này cũng giúp tôi có cuộc sống tốt hơn”.

Tán, lọng thể hiện sự trang nghiêm, quý phái trong các nghi lễ
Dù có nhiều vất vả, nhưng ông Tuyên vui mừng khi người con trai út của mình đã theo nghề này. Ông thường động viên rằng, dẫu nhọc nhằn nhưng đam mê, gắn bó với nghề thì nghề không phụ mình đâu. Mỗi ngày, cơ sở của ông sản xuất được 3 cặp lọng, một cặp lọng tùy độ sắc sảo có giá dao động từ 500 nghìn đồng đến 3 triệu đồng. Ngoài hai sản phẩm chính là tán thờ và lọng cưới, cơ sở còn sản xuất thêm các mặt hàng lưu niệm như lồng đèn Hội An, lồng đèn ú, đèn kéo quân.
Là người duy nhất nối nghiệp nghề của cha, anh Hoàng Bắc Nam, 37 tuổi vui vẻ nói: “Ai làm nghề nói chung cũng quy về kinh tế. Nghề làm lọng bây giờ cũng phát triển, người ta có điều kiện nên dùng nhiều hơn. Đó cũng là cơ hội để chúng tôi duy trì và phát triển nghề.”.
Thời gian qua, các sản phẩm lọng và các mặt hàng mỹ nghệ từ tre khác của nghệ nhân Hoàng Ngọc Tuyên đã có mặt ở nhiều hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế và được nhiều người biết đến. Một số sản phẩm đạt giải cao tại các cuộc thi lớn như; “Đèn kéo quân bằng tre”, “Túi xách nữ”, “Xe đạp nước”.
Hoàng Hạnh
(Theo TRT)

 

Similar Articles

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế

Là đô thị di dản, "Thành phố xanh quốc gia", cố đô Huế có hệ

Gánh bún tinh mơ

Gánh bún tinh mơ

5g sáng, nhiều người vừa tạt xe vào lề đường với niềm háo hức sẽ

Buồn vui chuyện… rác

Buồn vui chuyện… rác

“Xanh, sạch, sáng” không chỉ là khẩu hiệu mà đã trở thành nhu cầu, nguyện

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Sinh hoạt văn hóa dân gian ở đình làng Tết Huế

Vui chơi giải trí sinh hoạt văn hóa dân gian, vào dịp tết đến xuân

Màu tết ở Đông Ba

Màu tết ở Đông Ba

Tết Nguyên đán đã đến gần. Những ngày này, cùng với tiết trời hửng nắng

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose