Văn hóa Huế | Homepage

Con hói ở làng

🕔18.Apr 2018
Nhìn tấm ảnh chụp hói chợ Biện của một người bạn thấy ghe thuyền còn tấp nập tôi lại chạnh nhớ những con hói ở làng. Hồi sinh viên mỗi lần về nhà mình hay đi đò chợ Biện và đạp xe qua bờ hói này. Chợ Biện họp vào buổi chiều nên buổi sáng chợ chỉ lèo tèo mấy quán ăn và thêm mấy gánh bánh canh nhỏ. Chỉ chừng ấy hàng quán thôi nhưng đi qua chợ Biện vào những buổi sáng khi mô cũng thấy thích thú vì mùi của bún,của cháo lòng, của bánh canh cứ quyện nhau trong một không gian nhỏ. Hai quán ăn đông khách nhất là quán cháo lòng o Mai và quán bún bò giò heo của anh Bi. O Mai là người làng Đại Lược của tôi, về làm dâu chợ Biện và mang theo bí quyết nấu cháo lòng vốn nổi tiếng ở chợ Đại Lược…

Là nói qua về chợ Biện vì ảnh của bạn chụp về con hói dẫn vô ngôi chợ này. Hồi trước, việc buôn bán chủ yếu dựa vào đường thuỷ nên những ngôi chợ ven phá Tam Giang hay sông Ô Lâu đều được lập  gần với các bến đò và theo cách gọi dân gian là hói.

Làng tôi có các hói bến Đa, hói bến Bù, hói bến Đình, hói bến ôn Minh và hói bến Chợ. Trong các hói này lẽ đương nhiên là hói bến Chợ có ghe thuyền tấp nập nhất với các chuyến đò đi Huế, Mỹ Chánh, Ưu Điềm. Các hói còn lại chủ yếu là các chiếc ghe nhỏ vô ra và phục vụ cho ngày mùa khi nông dân sang cánh đồng bên kia cày cấy và ghe thuyền tấp nập nhất là mùa gặt. Rồi phía bên kia sông đã từ xa xưa cũng đã có những cái hói dẫn ghe thuyền vô những cánh đồng để chính những cánh đồng đó được gọi tên là ruộng hói Chu, hói Mít.

Đi gặt lúa bên cánh đồng bên kia sông thì phải cơm đùm cá bới cho buổi ăn trưa của bạn gặt. Đò chạy đến bờ sông thì trời vừa sáng. Cắt lúa một hồi là nghỉ tay nghỉ chân ăn nước lợ. Cắt thêm một hồi nữa là mặt trời đứng bóng cũng đến bữa ăn trưa. Cơm canh đã nguội nhưng ai cũng khen ngon có lẽ là do đói bụng. Hồi nhỏ tôi đã mấy lần theo ba mạ đi cắt lúa bên ruộng Cồn với nhiệm vụ đơn giản là đi ôm lúa dồn đống lại để ba tôi và mấy bạn gặt bó lúa thành từng bó to rồi dùng đòn xóc nhọn hai đầu gánh đưa lên bờ chờ đò tới chở về bến. Dòng sông Ô Lâu không rộng nên đến mùa gặt nhộn nhịp hẳn khi cả mấy chục chiếc đò đầy lúa vàng nối đuôi nhau từ các cánh đồng ruộng Cồn theo sông vô hói và về bến.

Những cái hói nối sông với làng cũng là nơi người làm ruộng đi mua rong làm thức ăn cho heo rồi mua hến, hàu từ những chiếc ghe nhỏ của những ngư dân sông Ô Lâu. Mùa rong, từ sáng sớm, mấy nhà xóm vạn chài chèo đò đi lặn rong.Người lặn với con nước mấy tiếng đồng hồ mới được một đò rong mang về.  Đến trưa, họ cập đò vô các hói về bến và đứng trên đò đế bán rong.Từ các xóm người dân trong làng nhanh chân đi mua rong. Thoáng chốc một đò rong đầy đã được bán hết. Giá rong cũng phải chăng, người bán rong chỉ lấy công làm lãi phụ thêm phần đi chợ cùng mớ tôm con cá hàng ngày. Tôi còn nhớ có hai loại rong là rong chèo và rong đốt; rong chèo thì giá đắt hơn vì những chú ỉn thích ăn loại rong này…Rong không chỉ là thức ăn cho heo mà còn là loài thực vật dùng làm phân xanh ủ những gốc mướp đắng, bầu, bí…

Làng tôi có câu thành ngữ: “Đói ra hói mà ăn”. Tôi cứ nghĩ chắc là do liền vần mà dân gian sáng tác nên câu thành ngữ này. Nhưng một người chị lớn trong làng đã giải thích cho tôi: Hồi trước ra hói chí ít cũng mò được mớ ốc, mủng hến. Có lúc may mắn còn có con tôm, con cá…đỡ khi đói lòng. Chị còn nhớ hồi nhỏ, mỗi lần về làng kỵ giỗ , sau khi ăn kỵ xong, các anh chị em trong họ nhà chị lui sau vườn quơ nè, cọng lá chuối khô bó lại từng bó nhỏ ra thả xuống bến dọc hói. Chỉ một quãng ngắn chưa tới 500m thôi, sau khi thả xong đi ngược trở lại lấy lên vài lần là có rổ ốc ngon lành.. .

Mà những con hói ngày nay ở làng tôi đã không còn chức năng là một bến đò phục vụ ngày mùa, nơi mua bán rong  như ngày trước nữa nên nhìn tấm ảnh hói chợ Biện lại nhớ cái cảnh ghe thuyền tấp nập của những hói bến quê nhà…

Phi Tân
(Theo TRT)

 

Similar Articles

Ủ Tết (Thì thầm lá hoa)

Vườn bà tôi ngày trước đầy hoa trái, bốn mùa xanh rợp lá cây, hầu

Nhớ những chuyến xe lam

Nhớ những chuyến xe lam

Hôm qua chú em họ đăng Facebook về những chiếc xe lam - một thời

Trong bóng dáng mệ quê

Trong bóng dáng mệ quê

Những ngày này Huế mưa, nhớ mạ thiệt nhiều, mà đi chợ càng nhớ hơn,

Mưa Huế, lụt Huế

Mưa Huế, lụt Huế

Những ngày xa nhà làm quen với đời sinh viên ký túc xá, mưa Huế

Lụt Huế

Lụt Huế

Đêm nghe nước lên từng hồi. Từ Chi Lăng, Phú Hậu, An Hoà, Tây Lộc

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose