Văn hóa Huế | Homepage

Miếng cơm cháy ngày xưa

🕔04.Aug 2019

Ngày nay, khi nói tới cơm cháy là người ta hình dung ngay ra những bịch cơm ép, chiên dầu mỡ trộn chà bông tẩm mắm ớt tỏi treo lủng lẳng ở các hàng bán đồ ăn vặt. Cao cấp hơn, cơm cháy được đóng hộp đẹp, trưng bày ở những cửa hiệu sang trọng, nhưng vẫn là cơm tẩm chà bông và ớt tỏi được chiên nhiều dầu.

Nên khi bất chợt nhìn thấy chiếc đĩa hiền lành đựng mấy miếng cơm cháy thiệt thà nhà quê, tôi thương quý quá đỗi. Miếng cơm cháy thiệt thà vì nó chính là lớp cơm cháy dưới đáy chiếc nồi cơm nấu bằng lửa củi. Miếng cơm cháy không đều, ở giữa hơi xém vàng, xung quanh màu vàng nhạt dần, và chỉ có cơm cháy thôi chẳng có gì. Không chà bông, không mắm ớt tỏi. Nó làm tôi nhớ một cách tha thiết những bữa cơm có cháy thường xuyên ngày xưa.

Ngày xưa đó nhà nào cũng có một bầy con mỗi tối quây quanh bàn ăn chỉ có dĩa rau, chén mắm kho quẹt và nồi cơm bốc khói. Nồi cơm đó vừa được nhắc khỏi cái bếp hồng than đỏ, để cho nguội một chút rồi mẹ sẽ dùng muỗng cạy lớp cơm cháy tróc một cách dễ dàng lên, để trên mặt nồi cơm. Miếng cơm cháy vàng ruộm nằm trên lớp cơm trắng như một bức tranh nghệ thuật hấp dẫn, khơi gợi cảm hứng tràn trề với những ánh mắt háu đói của đàn trẻ.

Miếng cơm cháy được chia cho từng đứa nhấm nháp trước kẻo nó nguội sẽ cứng lại không nhai nổi. Cơm cháy giòn rụm, thơm mùi lửa củi, chấm tí kho quẹt… Kho quẹt ngày đó đúng là kho quẹt, chỉ có tí mắm nước kho cho khô lại rồi quẹt, chứ không phải kho quẹt có tóp mỡ, tôm khô, thịt ba rọi như bây giờ, không phải quẹt nữa mà là… múc.

Rồi chẳng mấy chốc mà cả cơm cháy lẫn cơm trắng đều bốc hơi gọn ghẽ. Vị cơm cháy thơm ngậy vẫn còn làm ngây ngất lũ trẻ nhà quê.

Để có được tấm cơm cháy tuyệt hảo như thế: vàng ruộm, hơi xém một chút, là công ở cái đứa được phân công nấu cơm hôm đó. Nó phải chọn loại củi chắc để có than đẹp, lâu tàn. Phải canh nồi cơm vừa cạn là xới đều, đậy nắp rồi rút củi ra dập đi, chỉ để lại lớp than hồng dưới nồi. Nó phải cầm que củi cời cho lớp than đó tản đều ra xung quanh để lớp cơm cháy sẽ vàng đều.

Lớp than hồng đó ba mẹ đi làm đồng về ướt mưa, có thể ngồi xuýt xoa hơ tay cho ấm trước khi tắm giặt.

Lớp than hồng đó thằng em út thảy vào mấy cái hột điều lượm được ngoài vườn. Hột điều bén lửa than, phun nước xì xì khiến cả đám phải nhảy ra ngoài né để không bị phỏng. Đứa nào canh nồi cơm lại la oai oái vì nướng hột điều sẽ làm than tắt, nồi cơm không có cháy ngon.

Bữa nào đứa canh nồi cơm mải mê cầm quyển sách đọc thì nồi cơm khê lúc nào không biết. Cháy dưới đáy nồi đen thui. Vừa không có cháy ngon ăn vừa bị mẹ la vì mất hết cả hơn chén cơm quý giá, trong thời gạo châu củi quế.

Những chiếc bếp củi phập phù lửa khi nỏ khi tàn, nhưng bù lại cho người quê những nồi cơm sốt dẻo và miếng cơm cháy thơm ngon. Khi lên phố, bếp củi thay bằng bếp dầu, bếp gas, bếp điện rồi bếp điện từ, độ tiện dụng tăng dần lên nhưng rồi mất hẳn dấu vết miếng cơm cháy ngày xưa.

Thỉnh thoảng nhớ cơm cháy, mẹ tôi dùng mẹo là bật hai lần nút cook của nồi cơm điện, khi cơm chín sẽ cho một lớp cháy dưới đáy nồi. Nhưng cháy đó chỉ là cơm bị nấu 2 lần, ngả sang màu vàng nhạt, dẻo chứ không giòn, ăn chỉ để đỡ nhớ mà thôi.

Về sau nồi cơm điện hiện đại hơn, dù có bật bao nhiêu lần nút cook, nồi cơm vẫn cho ra cơm hoàn hảo không tì vết, nghĩa là không có dấu hiệu nào của cơm cháy.

Một ngày nọ, ông anh cả, cái người ngày xưa thường xuyên để cơm khê vì mải đọc sách ấy, đã rinh về nhà nồi cơm điện siêu hiện đại và tuyên bố: nồi cơm này có chế độ nấu cơm cháy! Giờ là thời đại mà mọi nhu cầu của người ta đều được chăm sóc kỹ lưỡng, kể cả nhu cầu hoài nhớ quá khứ. Mà cơm cháy là miếng ngon một thời, đáng để được đưa vào danh mục phục vụ lắm chứ!

Cả nhà vui như trẻ thơ khi hồi hộp chờ siêu phẩm cơm cháy thời hiện đại. Kết quả là cũng có tấm cơm cháy vàng nhạt, thơm thơm, nhưng đó là miếng cơm cháy thành thị, được sản xuất đều tăm tắp nồi nào cũng như nồi nấy, thiếu cái giòn thơm cháy xém tự nhiên được tạo nên từ lửa củi nhà quê.

Vẫn thương sao là thương miếng cơm cháy quê nhà ngày xưa.

Trương Huỳnh Như Trân
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

 

Similar Articles

Ủ Tết (Thì thầm lá hoa)

Vườn bà tôi ngày trước đầy hoa trái, bốn mùa xanh rợp lá cây, hầu

Nhớ những chuyến xe lam

Nhớ những chuyến xe lam

Hôm qua chú em họ đăng Facebook về những chiếc xe lam - một thời

Trong bóng dáng mệ quê

Trong bóng dáng mệ quê

Những ngày này Huế mưa, nhớ mạ thiệt nhiều, mà đi chợ càng nhớ hơn,

Lụt Huế

Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Tôi từng là đứa con nít mê chuyện cổ tích và trò chơi bán đồ

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose