Văn hóa Huế | Homepage

Trung quân Đô thống Nguyễn Hữu Tiễn – không chỉ là kẻ si tình

🕔12.Jul 2021

Lâu nay, người ta chỉ biết Phò mã Nguyễn Hữu Tiễn là người đã xây dựng phủ thờ công chúa Ngọc Sơn. Nhưng vẫn còn thông tin mà có thể nhiều người chưa biết, ông là kẻ si tình bậc nhất xứ Huế thời triều Nguyễn và không chỉ vậy, ông còn là người có nhiều hoạt động đóng góp cho văn hóa và đời sống xã hội lúc bấy giờ…

Phủ thờ công chúa Ngọc Sơn

Kẻ si tình bậc nhất

Hoàng nữ Dĩ Hy là con gái thứ của vua Đồng Khánh. Tháng 11 âm lịch năm Thành Thái thứ 15 (1903), công chúa Dĩ Hy hạ giá lấy chồng là Trung quân Đô thống Nguyễn Hữu Tiễn, con trai thứ của Đông Các Đại học sĩ Nguyễn Hữu Thảng. Bà sinh được một người con gái, rồi mắc bạo bệnh và qua đời lúc mới 20 tuổi. Tháng 12 năm Khải Định thứ 2 (1917), vua xuống dụ truy tặng cho hoàng muội Dĩ Hy làm Ngọc Sơn công chúa.

Không ai tường tận chuyện họ thương yêu và sống với nhau như thế nào, nhưng người đương thời kể lại rằng: khi công chúa qua đời, phò mã Nguyễn Hữu Tiễn đã từ bỏ tất cả, lên núi dựng túp lều ở bên cạnh mộ công chúa suốt một năm ròng. Thật sự không hề dễ dàng đối với một đại quan như ông từ bỏ chăn êm nệm ấm, kẻ hầu người hạ …, chấp nhận chịu cực chịu khổ sống cùng người tình dưới mộ nơi thâm sơn cùng cốc. Khắp xứ Huế nói riêng và nước Việt nói chung, từ trước đến nay, chưa thấy ai si tình như thế bao giờ!

Sau một năm, Nguyễn Hữu Tiễn trở về kinh đô nhưng vẫn nhớ thương công chúa Ngọc Sơn không nguôi. Ông ra Bắc, tìm thầy giỏi về thuật đánh đồng thiếp nhờ đưa mình đi gặp linh hồn công chúa. Rồi linh hồn chồng vợ âm dương cũng được gặp nhau, công chúa thương chồng, khuyên ông nên đi bước nữa để có người nâng khăn sửa túi. Nghe theo lời, phò mã cưới em họ của công chúa là Công Tôn Nữ Thị Trân, họ có với nhau 7 người con.

Năm 1921, phò mã Nguyễn Hữu Tiễn cho xây dựng biệt phủ và làm nơi thờ tự người vợ quá cố, đặt tên là phủ thờ công chúa Ngọc Sơn. Ông mất ngày 23/11/1958, hưởng thọ 75 tuổi.

Hiện, gian giữa nhà là nơi thờ tự, bên trên có treo bức hoành phi Ngọc Sơn công chúa từ, phía trước đặt bàn thờ Phật, phía sau đặt di ảnh của phò mã Nguyễn Hữu Tiễn, công chúa Ngọc Sơn và Công Tôn Nữ Thị Trân. Mộ của bà Công Tôn Nữ được táng giữa vườn cây xanh ngay trong khuôn viên của phủ. Tẩm mộ của công chúa Ngọc Sơn ngày nay tọa lạc trên đường Minh Mạng. Mộ của phò mã Tiễn nhỏ hơn, được táng bên phải lăng của công chúa.

Những đóng góp của vị trung quân đô thống

Không có nhiều tư liệu liên quan đến hành trạng của Trung quân Đô thống Nguyễn Hữu Tiến; nhưng một vài tư liệu để lại, đặc biệt là “Ngọc Sơn công chúa từ” do ông xây dựng hiện vẫn được gìn giữ, đã chứng tỏ ông là người có nhiều đóng góp cho văn hoá – xã hội lúc bấy giờ.

Với chức việc của trung quân đô thống, ông tham gia nhiều sự kiện trong triều đình. Một tư liệu được nhà nghiên cứu Phan Thuận An (người con rể đang gìn giữ phủ thờ) công bố cho biết, ông có tên trong danh sách những người “phụng hành phất thức” thời Bảo Đại. Tờ “tấu” đề ngày 14 tháng 12 âm lịch (2/2/1939) đệ trình 26 vị “phụng hành phất thức, trong đó vị thứ 23 ghi “Trung quân, thần, Nguyễn Hữu Tiễn”. Ở phần lề bên trái của tờ “tấu”, có lời châu phê “Chuẩn” và chữ ký tắt “BĐ” của vua Bảo Đại bằng viết chì màu đỏ.

“Phất thức” lúc đầu chỉ là một “định lệ” của triều đình đặt ra từ đời Minh Mệnh. Nhưng dưới thời các vua kế nghiệp, nó trở thành một “điển lệ”. Vào những thập niên đầu thế kỷ XX, nó được xem là một cuộc lễ. “Phất thức” nghĩa là phủi quét và lau chùi cho sạch bụi bặm. Sau khi thực hiện xong định lệ “phất thức” vào cuối ngày tháng Chạp hàng năm, triều đình bắt đầu nghỉ tết, vui xuân.

Vua Minh Mạng từng quy định rằng, những thành viên quan trọng này phải là các hoàng tử được phong tước công và các đường quan ở vào hàng nhất phẩm. Nhưng, càng về sau thì quy định ấy càng được nới lỏng. Đến thời Bảo Đại, thành phần tham dự bao gồm đến cả các hoàng thân, vương công, thượng thư các bộ và các quan văn võ từ nhị phẩm trở lên.

Một hoạt động khác. Tại Huế, ngày 11/9/1937, đã diễn ra lễ khánh thành Hội Hòa Lạc. Hội do các tài tử giai nhân, thường dân lẫn quan lại thành lập, nhằm “bảo tồn và tăng cải các điệu âm nhạc nước nhà; chuyên tập các môn thể thao bổ ích cho sự vệ sinh, xem sách đọc báo thêm kiến thức”. Hội do Trung quân Đô thống Nguyễn Hữu Tiễn làm Chánh Hội trưởng, thu hút hơn 60 hội viên, trong đó có nhiều tài sắc khắp ba kỳ.

Ông cũng tạo điều kiện cho các hội ái hữu ra đời, ví dụ như “Quảng Ngãi đồng châu hội”. Do công việc ở kinh sư khiến nhiều người phải xa quê, chọn Huế làm quê hương thứ hai, nhu cầu kết nối, thắt chặt tình làng nghĩa xóm trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu của họ. “Quảng Ngãi đồng châu hội” là hội đồng hương có mặt khá sớm trên đất Huế. Quyết định được ban hành vào ngày 16/3/1935, cho thấy Ban trị sự tạm thời của hội có ông Nguyễn Hữu Tiễn được bầu làm Chánh Phổ trưởng.

Phủ thờ công chúa Ngọc Sơn do Trung quân Đô thống Nguyễn Hữu Tiễn xây dựng đến nay vẫn lưu giữ được kiến trúc nhà vườn của Huế, song lại có nhiều nét độc đáo rất riêng. Ví như “Công chúa Ngọc Sơn từ” không có kiến trúc cổng tam quan ở phía trước mà lối vào phủ thờ được mở từ phía sau bởi một con đường uốn lượn giữa hai hàng chè tàu và hai hàng cau. Trước phủ thờ cũng không có bức bình phong án ngữ, nhưng hòn non bộ lại đảm nhận vai trò tiền án… Cùng với những cổ vật gia bảo là cả ngàn cuốn sách quý với đủ thứ ngôn ngữ do con cháu lưu giữ và bồi đắp, khiến nơi đây trở thành một di sản kiến trúc gia tộc lớn và quý hiếm ở vùng đất Cố đô.

Hồ Đăng Thanh Ngọc
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)

Similar Articles

Bắp miệt Cồn

Bắp miệt Cồn

Cồn Hến, nhìn lên cầu Trường Tiền - Ảnh: wikipedia Mỗi lần qua về Cồn Hến,

Tản mạn hành trình bún Việt

Tản mạn hành trình bún Việt

Trong ẩm thực Việt Nam, bún là loại món ăn được ưa thích, có mặt

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà…

Chiều chiều, chay xe lên Kim Long ngắm dòng Hương xinh đẹp, tạt vào quán

Đường đến lăng mộ vua Gia Long hơn 100 năm trước khác gì?

Đường đến lăng mộ vua Gia Long hơn 100 năm trước khác gì?

Theo ghi chép cửa Leopold Cadiere, đường đến lăng mộ Gia Long buộc phải đi

Màu tết ở Đông Ba

Màu tết ở Đông Ba

Tết Nguyên đán đã đến gần. Những ngày này, cùng với tiết trời hửng nắng

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose