Văn hóa Huế | Homepage

Lăng Khải Định, đẹp một cõi vĩnh hằng

🕔20.Aug 2021
Hiếm công trình kiến trúc nào mang nhiều cảm nhận và phản ứng trái chiều, với những tương phản cực đại như Ứng Lăng – lăng mộ vua khải định. Ở góc nhìn mỹ thuật, không thể phủ nhận ứng lăng là một nét độc đáo, khác lạ, tượng trưng cho vẻ đẹp vĩnh hằng mà vua Khải Định tạo dựng cho riêng mình khi đã qua thế giới bên kia.

Trong nhiều nền văn minh, từ cổ đại đến cận đại, rất nhiều vị vua khi lên ngôi, ngoài công việc trị vì, một chuyện hệ trọng khác trong đời họ là dốc công sức, thời gian, vật chất… xây lăng mộ cho mình, với mong muốn khi về cõi vĩnh hằng, cũng sẽ được tận hưởng một đời sống hoàng triều, đế vương như cõi thế. Ứng Lăng được tác thành, cũng không là ngoại lệ.

So với những lăng tẩm các vị vua như Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức… Ứng Lăng không bề thế ở diện tích, nhưng chi tiết kiến trúc và trang trí mang phong cách hoàn toàn khác biệt.

Ở phần cảnh quan, Ứng Lăng có vị trí tọa lạc được chủ nhân chọn lựa kỹ lưỡng, tuân theo luật phong thủy nghiêm ngặt, với thế sơn chầu thủy tụ, tả thanh long, hữu bạch hổ. Cho đến nay, không gian kiến trúc ấy vẫn là một điểm nhấn đẹp, kết nối hài hòa với thiên nhiên quanh vùng.

Ứng Lăng với vị trí và vẻ đẹp cảnh quan tổng thể được tác thành theo quy luật phong thủy trong văn hóa Á Đông.


Nhìn từ góc máy cao, có thể thấy rõ bố cục Ứng Lăng với đồ hình kiến trúc mang âm hưởng Á Đông, từ bậc cấp dẫn đến cổng tam quan, sân chầu, Bái Đình, điện Khải Thành… Khi đi vào chi tiết trang trí, lại là sự hòa trộn đa dạng của nhiều nền văn hóa, phong cách kiến trúc, nghệ thuật thủ công, tay nghề truyền thống… từ Âu sang Á mà thành.

Vẻ đẹp nguy nga, tráng lệ ở nội thất cung Thiên Định, nơi hội tụ những chi tiết trang trí là sự hòa trộn Á – Âu.


Nghệ thuật tranh tường, khảm thủy tinh, khảm sành sứ với chi tiết kết nối và cách phối màu đạt đến đỉnh cao trong nghệ thuật trang trí ở lăng Khải Định.


Sử dụng chất liệu hiện đại trong kiến trúc như xi măng, vôi vữa… Ứng Lăng với vẻ ngoài mang gam màu thâm trầm, phảng phất u buồn chốn lăng thiêng, nhưng ở chi tiết trang trí nội thất, đặc biệt trong điện Khải Thành, là không gian tưng bừng của nghệ thuật hội họa tranh tường, nghệ thuật khảm sành sứ, khảm thủy tinh màu, với muôn vàn đồ án trang trí trích từ Tam Giáo, cho đến kim – cổ, Đông – Tây kết hợp, cộng thêm lối phối màu tổng thể… tạo cho công trình vẻ đẹp thực sự ngỡ ngàng đến choáng ngợp ngay cả với giới chuyên môn.

Nét diêm dúa, đa màu sắc, chi tiết sắc xảo, cầu kỳ… ở Ứng Lăng, đều là những biểu hiện rõ nét về phong cách và sở thích của vua Khải Định lúc trị vì. Đưa phong cách ấy vào chi tiết trang trí, hẳn là mong ước khi sang cõi vĩnh hằng, vua sẽ có được một thiên đường như mong ước.

Những nét Tây Âu như cột Doric, cùng hoa văn chữ thọ, quy giáp, hình tượng rồng trong văn hóa Á Đông… hòa nhịp ăn ý, nhờ vào sự sáng tạo và tài nghệ phi thường của thợ thủ công xưa khi thực hiện công trình lăng Khải Định.


Công trình Ứng Lăng khi xây dựng, từng vấp phải nhiều chỉ trích bởi những tốn kém, xa hoa trong tác tạo và cá tính của chủ nhân lúc đương thời. Cho đến nay, đã gần trăm năm tồn tại, phải thực sự nhìn nhận Ứng Lăng là một kiến trúc độc đáo, một vẻ đẹp khác biệt, là sự kết hợp tài tình và đậm dấu ấn sáng tạo giữa các loại hình văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc, nghề thủ công… xứng đáng là điểm đến lý tưởng để khám phá, tìm hiểu và chiêm nghiệm tính nghệ thuật khác biệt của Ứng Lăng trong những ngày rong chơi xứ Huế.

Bài: Lam Phong - Ảnh: Quang Ngọc
(Theo Người đô thị)

Similar Articles

Đệ Ngọc Lâm công chúa và những câu chuyện lịch sử

Đệ Ngọc Lâm công chúa và những câu chuyện lịch sử

Cổng và bình phong đệ Ngọc Lâm công chúa 1. Mở đầu Hệ thống phủ đệ xưa

Tìm thấy lời giải cho bức tranh thứ sáu trên tường cung An Định

Tìm thấy lời giải cho bức tranh thứ sáu trên tường cung An Định

âu chuyện bí ẩn của bộ tranh tường trong cung An Định vẫn bỏ ngỏ

Bức cảnh dựng trên bàn thờ gia tiên vùng Huế

Bức cảnh dựng trên bàn thờ gia tiên vùng Huế

Theo truyền thống, cảnh dựng là một trong những vật phẩm thờ cúng quan trọng

Nghiên cứu Tái thiết Điện Cần Chánh, Hoàng Thành Huế – Phần 1: Lịch sử Quần thể Di tích Cố đô Huế và Hành trình Di sản

Nghiên cứu Tái thiết Điện Cần Chánh, Hoàng Thành Huế – Phần 1: Lịch sử Quần thể Di tích Cố đô Huế và Hành trình Di sản

Quần thể Di tích Cố đô Huế là Di sản Văn hoá đầu tiên của

Con ngựa trong các khu lăng mộ vua Nguyễn biểu tượng cho điều gì?

Con ngựa trong các khu lăng mộ vua Nguyễn biểu tượng cho điều gì?

Vào tham quan lăng mộ các vua nhà Nguyễn ở Huế, du khách thường bắt

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose