Văn hóa Huế | Homepage

Bên sông Ô Lâu

🕔15.Apr 2018

Một buổi chiều tháng Sáu, ba tôi đi làm đồng về, vừa bỏ cái cuốc xuống sân đã nghe giọng ông buồn bã: “Nước mặn lên rồi!”. Thế là đã đến mùa hạn. Gió Lào đuổi nhau rin rít từng đợt trên cánh đồng, nước dưới chân lúa bắt đầu cạn dần.

Sông Ô Lâu chẳng khi nào thiếu nước nhưng đến mùa gió Lào, nước mặn từ biển qua phá Tam Giang dâng cao, tràn qua cửa Lác thì sông không còn là dòng nước ngọt mà đã có vị mặn lờ lợ, không thể tưới mát ruộng đồng được nữa. Tất cả cánh đồng làng phải nhờ vào hệ thống nước từ chân độn cát để tưới cho cây lúa.

Ông cha ngày xưa “quy hoạch” bền vững mà hài hòa để tạo nên làng, nên xóm với lũy tre xanh, con nước mát chỉ nhìn đã thấy yên bình, để con cháu sau này có thể bình tâm gắng sức cuốc cày, vun xới trên cánh đồng làm ra hạt lúa, củ khoai mà sinh sống. Nước sông Ô Lâu bị mặn, cả cánh đồng được tưới bằng dòng nước của các con khe, ao, hồ trong làng, ngoài ruộng. Dòng kênh đó chưa bao giờ hết nước. Những năm trời đại hạn, nước chỉ chảy thành những con lạch nhỏ ngang mắt cá chân; trai tráng trong làng thường phải tập trung vét đáy kênh để khơi thông những nguồn mạch nước hiếm hoi ri rỉ từ trong lòng đất để cứu lúa. Nhờ vậy, mùa nước mặn cay cực là thế nhưng cây lúa vẫn sống, vẫn trổ bông, kết hạt.

Giờ làng tôi đã không còn sợ nạn nước mặn mỗi mùa hè nữa, khi hệ thống đập thủy lợi Cửa Lác được xây dựng kiên cố đã ngăn được dòng nước mặn từ phá Tam Giang tràn lên sông. Nhưng mới đây về làng, tôi bỗng giật mình bởi những thửa ruộng ven con đường cái quan của làng bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Quan sát kỹ hơn thì thấy hệ thống kênh dẫn nước từ khe làng hay các con khe khác đã bị lấp sạch để xây dựng nhà cửa, bê tông hóa đường đi. Không gian hài hòa của một làng quê đã bị phá vỡ. Cái hạn không đến từ Trời nữa mà do con người. Ngọn gió Lào rát bỏng hơn khi những dòng nước bầu bạn với đời sống của con người đã biến mất.

Làng cũng nóng, những bức tường thành bằng bê tông, bằng thép đang thay nhau mọc lên thay thế bờ rào cây xanh. Mỗi lần về nhà, tôi có cái thú chạy ra vườn nhặt nhạnh rau cỏ nấu đủ nồi canh hay làm một dĩa rau sống. Những ngày nắng hạn, khi rau trong vườn tàn tạ thì vẫn còn những loài rau dại mọc tự nhiên cạnh bờ rào. Cây cỏ, hoa trái, bờ rào cũng là một bờ cổ tích của tuổi thơ tôi. Là cây muồng chuộng lá non mẹ hái nấu canh, cọng non mới ra rửa sạch đưa vào miệng nhai chua chua, rồi đến mùa trái muồng chuộng chín từng chùm ăn ngòn ngọt và đen cả lưỡi.

Là cây bợ, cây mủ chó, mấy đọt măng hóp tre cho lũ con gái chơi trò đi chợ bán hàng. Rồi những chùm bòng bong làm mũ, làm áo. Là rau ngót, diếp cá, lá lốt cho bữa ăn cả nhà… Cái bờ rào cũng là nơi sinh sống, họp đàn của lũ bươm bướm, chuồn chuồn, tắc kè, rắn mối, rồi cả cóc, nhái, ếch, ễnh ương… Những đêm mưa, chúng lại rủ nhau cùng cất lên một bản hòa ca với đủ âm thanh, vui tai. Thỉnh thoảng xuất hiện một con chim cuốc mẹ dẫn theo đàn con chạy ra vườn vào sáng sớm sau một đêm mưa, hay một đàn cá rô lạc nước trườn lên cả mấy luống rau.

Nông thôn là thế. Con người hòa mình cộng sinh với nước, với cây cỏ, với những loài vật chan chứa và vị tha nên mùa hè bớt nóng, mùa đông bớt lạnh và những nhọc nhằn cơm áo gạo tiền cũng dễ nguôi ngoai.

Phi Tân
(Theo Doanh nhân Sài Gòn)

Similar Articles

Ủ Tết (Thì thầm lá hoa)

Vườn bà tôi ngày trước đầy hoa trái, bốn mùa xanh rợp lá cây, hầu

Nhớ những chuyến xe lam

Nhớ những chuyến xe lam

Hôm qua chú em họ đăng Facebook về những chiếc xe lam - một thời

Trong bóng dáng mệ quê

Trong bóng dáng mệ quê

Những ngày này Huế mưa, nhớ mạ thiệt nhiều, mà đi chợ càng nhớ hơn,

Lụt Huế

Lụt Huế

Khái niệm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với ông trời xứ Huế cho đến

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ

Tôi từng là đứa con nít mê chuyện cổ tích và trò chơi bán đồ

Danh mục

Tìm kiếm:



Có thể bạn quan tâmclose