Thơm nồng bánh sắn ngày mưa
Chiều đông, thím út cho mấy củ sắn ba trăng, mạ “đề nghị” gói bánh sắn ăn chơi. Chứ lâu lắm rồi mạ còn chưa nếm lại món này, không khéo quên luôn cả mùi vị, mạ nói.
Trời mưa lâm thâm vừa ăn bánh, vừa nghe mạ kể chuyện xưa, là nhất
Chị hai nhăn mặt, bảo ngoài chợ thiếu chi, mạ thèm răng sáng đi chợ không mua? Mạ lắc đầu cười, chợ Tuần ngày trước cũng có bán, nhưng chừ không thấy. Chắc tại không có ai mua nên người ta dẹp hàng. Chừ thèm lại không ai bán. Nghe mạ nói thèm, thế là chị hai điều động cả nhà vào gói bánh.
Cả nhà xôn xao tất bật. Chị hai vô buồng đong lon đậu xanh, lấy chai bảy cà bể đôi hạt đậu, đem ngâm nước nóng rồi đãi vỏ, bắt lên bếp nấu chín. Mạ ra sau vườn, chặt đôi tàu lá chuối sứ, mang vào xé nhỏ từng tấm bằng bàn tay, trụng sơ qua nước ấm cho lá mềm rồi lau sạch. Ba đi quanh nhà tìm lon sữa bò, hì hụi gỡ ra, tạo thành tấm thiết hình chữ nhật, sau đó dùng đinh đục chi chít lổ. Rứa là được cái bàn mài sắn.
Ngày trước, cái bàn mài trong nhà được ba làm cầu kỳ lắm. Nhưng lâu rồi nhà không trồng sắn, cái bàn mài kia cũng chẳng biết đi lạc ở mô. Chừ cần, đành phải làm vội một cái “dã chiến” dùng tạm.
Bánh sắn quan trọng ở khâu làm bột. Sắn dùng làm bánh phải là sắn ba trăng thơm ngon, không bị đắng. Sắn lột vỏ, đem ngâm nước vo gạo hoặc nước muối vài giờ cho hết vị hăng, cũng thải luôn chất độc, sau đó mới đem mài (nếu không có bàn mài, thì cắt khúc nhỏ, rồi dùng máy xay sinh tố xay nhuyễn). Sắn mài nhuyễn, vắt khô. Phần nước để lóng lại, lấy phần bột đem trộn với phần xác sau đó nêm tiêu, muối, bột ngọt, hành tím, hành lá băm nhỏ vào rồi trộn đều. Nếu sắn không được ngon, sau khi mài phải cho thêm ca nước vào lọc kỹ cho bớt hăng.
Nhân bánh làm cũng đơn giản. Đậu xanh đãi vỏ nấu chín thì nhắc xuống. Bắt chảo lên bếp cho nóng, đổ mấy muỗng dầu vào. Đợi dầu nóng lại cho nắm hành tím băm nhỏ vào phi vàng, cho tiếp hành lá thái nhỏ vào đảo đều, rồi trút phần đậu xanh đã nấu chín vào chảo, nêm tiêu, muối, bột ngọt vừa miệng là được.
Vỏ bánh, nhân bánh đã xong, phần tiếp theo là gói bánh. Bột sắn vo thành cục nhỏ, tròn tròn, rồi dàn mỏng ra, sau đó cho nhân vào rồi vo kín lại. Đặt bánh vào ngọn lá chuối, gói kín sau đó mang hấp.
Bánh bột sắn phải ăn nóng mới ngon. Phải vừa ăn vừa thổi mới khoái. Bánh càng ngon khi chấm với nước mắm nhỉ xắn trái ớt xanh. Bánh có vị thơm ngọt của sắn, bùi bùi của đậu, hòa cùng mùi thơm của tiêu, hành. Trời mưa lâm thâm, ngồi bên bếp lửa cắn miếng bánh sắn, nghe mùi khói bếp cuộn quanh, hòa trong mùi bánh thơm nồng cả chái bếp thì còn chi bằng. Vừa ăn bánh, vừa nghe mạ kể chuyện xưa, là nhất.
Mạ kể ngày trước khổ lắm. Đất đai cằn cỗi nên trồng khoai trồng sắn đều hiếm củ. Sắn ba trăng mà ăn cũng đắng đót dữ lắm. Bà ngoại mỗi lần nấu cơm, đều hấp bảy phần sắn, ba phần cơm. Mạ nghe mùi sắn đã thấy sợ. Giờ cơm, ngoại mở vung, mùi sắn nồng nồng bao trùm cả chái bếp, mạ chịu không được, phải chạy sang nhà hàng xóm “né”.
Đến thời chúng tôi, cơm tuy cũng có độn khoai sắn, nhưng mạ đã biến tấu thành đủ món. Sắn hấp với dừa bào chấm muối mè. Sắn mài làm bánh mặn, bánh ngọt, bánh dừa… nên chẳng còn hãi hùng như ngày xưa của mạ.
À, nhân tiện “khoe” luôn cách làm bánh sắn ngọt. Làm bánh ngọt chỉ khác là thay muối bằng đường, không cần phi thơm hành. Làm bánh sắn nước cốt dừa thì trộn cốt dừa vào bột và nhân bánh, lại thêm ít dừa bào mỏng, hấp cùng lá dứa, hoặc cũng có thể nướng chín trên bếp than hồng.
Đó, món ăn ngày đói, mà mạ biến tấu đủ kiểu như rứa, nên cả đàn con đứa nào cũng khoái. Chừ no đủ nên món ngày cũ chẳng mấy người còn bán. Cho nên, muốn ăn, lại phải lăn vô bếp. Cực cực rứa đó, nhưng mà vui.
Ngọc Linh
(Theo Báo Thừa Thiên Huế)
Similar Articles
Ủ Tết (Thì thầm lá hoa)
Vườn bà tôi ngày trước đầy hoa trái, bốn mùa xanh rợp lá cây, hầu